Xăng dầu liên tục tăng giá: Ngành vận tải kiệt sức, cần “giải cứu” tức thì

15/03/2022 - 12:02

PNO - Chỉ hai tháng rưỡi đầu năm, giá xăng dầu đã bảy lần tăng giá, lên mức cao kỷ lục khiến các doanh nghiệp vận tải TPHCM vốn đang “thoi thóp” do dịch bệnh thêm lao đao.

Khó chồng khó 

Ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc Vinasun Taxi - cho biết, suốt hai năm dịch bệnh, công ty thua lỗ liên tục; riêng trong năm 2021, Vinasun phải cắt giảm hơn 2.500 nhân viên, trong đó có khoảng 1.800 tài xế. Suốt nhiều tháng giãn cách xã hội, công ty vẫn phải chi hàng loạt khoản như phí bến bãi đậu xe, nhân công, thuế, phí bảo trì đường bộ, chi phí sửa chữa xe do hư hỏng sau thời gian dài không sử dụng. Đến nay, hoạt động taxi vẫn còn hạn chế và doanh thu vẫn sụt giảm rất nhiều. 

Trong lúc doanh nghiệp (DN) đang gắng gượng, chưa vượt qua được hậu quả của dịch bệnh thì giá xăng dầu tăng liên tiếp khiến hoạt động vận tải vô cùng khó khăn. Hai tháng qua, Vinasun Taxi gắng gượng để kìm giá cước và vẫn hỗ trợ tài xế thêm 4% doanh thu. Tuy nhiên, với đợt tăng giá xăng dầu ngày 11/3 vừa qua, công ty buộc phải tính tới việc tăng cước taxi, có thể thêm 900 - 1.000 đồng/km. Thừa nhận việc tăng giá cước là “chẳng đặng đừng”, ông Tạ Long Hỷ lo rằng, doanh thu sẽ càng sụt giảm do hành khách sẽ chọn phương tiện lưu thông khác.

Giá xăng tăng cao, buộc doanh nghiệp taxi phải tính phương án tăng giá cước - ẢNH: P.T
Giá xăng tăng cao, buộc doanh nghiệp taxi phải tính phương án tăng giá cước - Ảnh: P.T

Tương tự, đại diện các hợp tác xã xe buýt cũng than trời vì đang hoạt động cầm chừng, nay lại liên tiếp “đau đầu” vì giá nhiên liệu tăng. Ông Phùng Ðăng Hải - Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM - cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, lượng khách đi xe buýt giảm đến 70%, một phần do người dân lo ngại dịch bệnh. Doanh thu bán vé ít ỏi không đủ để trang trải lương bổng nên tài xế, tiếp viên bỏ việc rất nhiều; tài xế, tiếp viên thường xuyên mắc COVID-19, phải nghỉ nhiều ngày khiến các nhà xe thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. 

Đã vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, các DN xe buýt chưa được tạm ứng tiền trợ giá từ ngân sách nên hoạt động cầm chừng, càng chạy càng lỗ. Nếu không sớm được tạm ứng tiền, các xe chỉ hoạt động được 1 - 2 tuần nữa là phải ngừng chạy hoàn toàn.

Kiến nghị giảm thuế, phí 

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM - cho biết, đang đẩy nhanh thủ tục để tạm ứng, thanh toán tiền trợ giá cho các đơn vị vận tải buýt. Mức trợ giá xe buýt hiện nay được tính toán theo thực tế biến động giá nhiên liệu, nên với việc giá dầu diesel tăng như vừa qua, mức trợ giá cũng sẽ tăng theo. Khi tính toán tổng mức trợ giá cho năm, đơn vị đã dự trù một khoản dự phòng phí trong trường hợp biến động giá nhiên liệu, lương tối thiểu… Hiện nay, phần tăng giá nhiên liệu vẫn có thể cân đối đủ trong khoản dự phòng phí, nhưng từ nay đến cuối năm, nếu giá nhiên liệu biến động khó lường, vượt ra khỏi khoản dự phòng phí thì trung tâm buộc phải kiến nghị tăng mức trợ giá cho xe buýt từ ngân sách.

Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - giá nhiên liệu chiếm 35 - 40% chi phí vận tải hàng hóa. Do đó, với mức tăng giá xăng dầu quá cao như hiện nay, DN vận tải hàng hóa buộc phải tăng giá cước, theo tính toán có thể lên đến 15%. Điều này có thể khiến giá tất cả các loại hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng lớn đến người dân, DN. Do đó, hiệp hội kiến nghị, trước mắt, để hạ nhiệt giá xăng dầu, cần nhanh chóng giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính (giảm 2.000 đồng/lít đối với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn) chứ không cần chờ đến ngày 1/4 như kế hoạch. 

“Hiện các DN vận tải chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất so với trước khi có dịch COVID-19, trong khi DN phải chịu chi phí gần 1,5 triệu đồng/ngày cho mỗi xe container nằm không. Đến nay, nhiều DN đã kiệt sức, nên Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cho DN vận tải, như phí bảo trì đường bộ và phí BOT cầu đường” - ông Bùi Văn Quản đề xuất.

Lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hoạt động vận tải bằng xe buýt, xe khách liên tỉnh, taxi, vận tải đường thủy đang dần được khôi phục sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nhưng lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, xe khách liên tỉnh có hơn 27.000 khách/ngày, giảm 73% so với trước khi có dịch; trong quý I/2022, xe buýt chỉ đạt 15 khách/chuyến, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2021, lượng khách đi bằng đường thủy cũng giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng kiến nghị UBND TPHCM một số giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, như kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện; hỗ trợ từ ngân sách toàn bộ lãi vay trong năm 2021 cho các DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TPHCM phê duyệt danh mục dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo Cục Thuế xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Đối với kiến nghị miễn, giảm phí sử dụng đường bộ, Sở Giao thông Vận tải cho biết, Bộ Tài chính đã có quyết định từ nay đến hết tháng 6/2022, giảm 30% phí đường bộ cho xe vận tải hành khách và giảm 10% cho xe vận tải hàng hóa. 

Sinh viên tìm đủ cách để tiết kiệm tiền xăng

Giá xăng tăng liên tục khiến nhiều sinh viên phải tức tốc thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Những địa điểm vui chơi, khu ăn uống từng tấp nập sinh viên nay trở nên vắng vẻ hơn do sinh viên ngại ra đường.

Thủy Tiên - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - bộc bạch: “Mình sống ở TP.Biên Hòa nên tốn khá nhiều tiền đổ xăng để đi học. Do xăng tăng giá quá cao nên gần đây, mình hạn chế tối đa việc đi lại, nhất là việc hẹn hò, gặp gỡ bạn bè. Mình đang xin ở nhờ nhà người quen ở TPHCM để tiết kiệm chi phí xăng xe”.

Gia Sển - sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM - nói: “Xăng tăng giá trong khi tiền làm thêm không tăng nên ngoài đi học, đi làm thêm và về nhà, mình rất ít khi ra ngoài ăn uống hoặc gặp mặt bạn bè”. 

Giá xăng tăng không chỉ thay đổi hành động, mà còn thay đổi cả suy nghĩ của nhiều sinh viên. Trước đây, khi phải học online, nhiều bạn “bày tỏ quan điểm” muốn được đi học trực tiếp, nhưng nay lại ngại di chuyển. Tố Như - sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM - bày tỏ: “Từ nhà mình đến trường gần 40km, mỗi tháng tốn tiền xăng khoảng 600.000 đồng, nên ở nhà học online giúp mình tiết kiệm được khá nhiều tiền để dùng vào các việc khác”.

Do đang trong thời gian thực tập, Thu Uyên - sinh viên báo chí - phải thường xuyên chạy xe máy để thu thập tin tức. Cô chia sẻ: “Mình và bạn mình thực tập cùng cơ quan nhưng mình ở trọ tại quận Tân Bình, còn bạn lại ở tỉnh Bình Dương. Lúc trước, tụi mình thường chia nhau đi lấy thông tin rồi hẹn nhau ở một địa điểm nhưng gần đây, tụi mình quyết định dùng chung một chiếc xe. Trước khi đi làm, hai đứa mình sẽ xem bản đồ để biết địa chỉ ấy gần nhà ai hơn, nếu gần mình thì bạn sẽ đến đón mình qua chỗ hẹn và ngược lại, giúp giảm được chi phí xăng xe”.

Thanh Trúc - sinh viên đang thực tập ở lĩnh vực kế toán - chọn cách đi xe buýt để tiết kiệm tối đa chi phí: “Chỗ làm và nơi ở của mình cách nhau 45 phút đi xe máy nên khi xăng tăng giá, mình đã chuyển hẳn qua đi xe buýt; dù chậm hơn khoảng 15 phút nhưng chi phí giảm hơn một nửa”.

Trang Thư

Phương Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI