Xâm phạm mộ cổ tại di tích tái diễn

28/10/2023 - 09:45

PNO - 5 ngôi mộ cổ tại di tích quốc gia núi Bình San (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) đã bị một đơn vị thi công làm mất, di dời sang chỗ khác.

Lăng Mạc Cửu nằm trong di tích quốc gia núi Bình San
Lăng Mạc Cửu, đền thờ họ Mạc nằm trong di tích quốc gia núi Bình San

Đơn vị này thi công xây dựng nhà dưỡng lão. Trong đó có 2 mộ “mất tích” và 3 mộ vẫn còn thấy bia dựng vào vách đá. Tại di tích này có 60 ngôi mộ gồm ông bà, gia đình, con cháu của ông Mạc Cửu - người có công khai phá đất Hà Tiên, biến nơi đây thành thương cảng nổi tiếng trước khi dâng vùng này cho chúa Nguyễn - được chôn cất xung quanh núi Bình San. Theo phản ánh, sự việc đã xảy ra 1 năm nay nhưng hiện chưa khắc phục. 

Trả lời Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Kiên Giang cho biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang. TP Hà Tiên hiện đang triển khai xử lý. Khi được hỏi về thời hạn xử lý, ông Sáu cho biết trách nhiệm của địa phương, khi làm xong báo cáo lên UBND tỉnh.

Trước đó vào năm 2017, khi xây dựng bãi giữ xe tham quan lăng vua Tự Đức và lăng vua Đồng Khánh, đơn vị thi công Công ty Chuỗi Giá Trị (Huế) đã san phẳng mộ của bà Cửu gia Tài nhân họ Lê thụy Thục Thuận (một trong những người vợ của vua Tự Đức).

Sự việc gây bức xúc trong dư luận thời điểm đó, bởi không chỉ làm ảnh hưởng đến di tích, mà còn vi phạm văn hóa truyền thống của người Việt. Sau 6 năm, ngôi mộ mới được khởi công xây dựng lại vào tháng 4 năm nay, khi các bên liên quan tìm được tiếng nói chung.

Mộ vợ vua Tự Đức được khởi công xây dựng lại hồi tháng 4 vừa qua
Mộ vợ vua Tự Đức được khởi công xây dựng lại hồi tháng 4/2023, sau 6 năm từ lúc bị san phẳng

Lẽ ra, vụ việc vô tiền khoáng hậu này không nên xảy ra, nhưng vẫn tiếp diễn. Đơn vị thi công chắc chắn không tránh né được trách nhiệm trong việc này. Tuy nhiên, để bảo vệ di tích, thành phần thuộc di tích, thì trách nhiệm phải thuộc về địa phương, lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Việc xây dựng những công trình được nêu trên không phải nhỏ. Đặc biệt khi thực hiện gần di tích càng đòi hỏi cơ quan quản lý, ban quản lý các di tích cẩn trọng hơn nữa trong việc khoanh vùng, quan sát, quản lý. Nhiều trường hợp xây dựng đã làm ảnh hưởng đến di tích trong suốt những năm qua. Nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các địa phương?

Nếu có trách nhiệm và sự quan tâm đúng mức các di tích tại địa phương, có lẽ những sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra. Liệu sẽ có một cơ quan, đơn vị nào bị xử lý để làm gương cho những trường hợp này, hay lại chỉ là bài ca quen thuộc kiểm điểm rút kinh nghiệm?

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI