Xâm nhập “trạm trung chuyển” nông sản Trung Quốc

11/07/2013 - 15:35

PNO - PN - Công khai buôn bán nông sản Trung Quốc, khu vực chợ Hòa Đình (Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh) đang trở thành trạm trung chuyển mặt hàng này cho cả nước, với trung bình khoảng hơn 500 tấn hàng mỗi ngày…

Xam nhap “tram trung chuyen” nong san Trung Quoc

Kho hàng chất hành khô “made in China” của một cơ sở trên đường Lê Anh Tông, TP. Bắc Ninh 

Phố nông sản Tàu

Nằm ở trung tâm TP. Bắc Ninh, chợ Hòa Đình không chỉ là chợ đầu mối lớn nhất khu vực mà còn được dân trong nghề biết đến là trạm trung chuyển nông sản Trung Quốc (TQ) cho cả thị trường nội địa. Dọc những tuyến đường chính bao quanh khu vực “phố nông sản Tàu” như Lý Anh Tông, Nguyễn Văn Cừ, Lý Thần Tông, dễ dàng nhận thấy những kho hàng san sát, hoạt động suốt ngày đêm.

Bốn giờ chiều, tuy không phải giờ cao điểm nhưng trên đường Nguyễn Văn Cừ, khu vực giáp hông chợ Hòa Đình, các xe hàng vẫn nườm nượp ra vào. Tại cơ sở Hiện Tiếp, những công nhân nam đang tập trung chất khoai tây lên chiếc xe tải hai tấn. Thoạt nhìn, có thể nhận ra đó là khoai TQ bởi cỡ khoai lớn, dạng thon dài và lớp vỏ dày cứng đặc trưng. Đây cũng là một trong những mặt hàng phổ biến nhất ở Hòa Đình, bên cạnh các sản phẩm khác như tỏi, hành tây, hành khô, gừng, cà chua, cải bắp… Tất cả các loại sản phẩm này đều được chứa trong bao tải lưới với nhiều kích cỡ.

Bà Phượng - chủ một hàng nước cho biết, những xe hàng này chỉ là loại… “con tôm, con tép”. Cánh đánh hàng lớn không bao giờ đi ban ngày mà thường tập kết vào ban đêm. Người mua hàng đến từ khắp nơi, gần thì Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, xa thì Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai… Bà Phượng kể, trước đây dân Hòa Đình, còn gọi là làng Nhồi, chủ yếu làm nông, nổi tiếng khắp vùng với nghề trồng hoa và rau màu. Khoảng chục năm gần đây, nghề thu gom nông sản nổi lên, nhiều gia đình giàu lên trông thấy. Gọi là “thu gom” nhưng theo bà Phượng, toàn bộ nông sản ở đây đều có xuất xứ từ TQ. Nhiều cơ sở kinh doanh lấy hàng về từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn, rồi chở ngược lại, đổ buôn cho các chợ lớn.

Khoảng 21g cả khu phố nhộn nhịp khác thường. Suốt dọc hai bên đường Lý Anh Tông và Nguyễn Văn Cừ, hàng dãy xe tải từ 5 - 30 tấn nối đuôi nhau. Với một xe hàng cỡ lớn, thời gian chuyển hàng phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới có thể khởi hành. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi cơ sở kinh doanh ở đây chỉ chuyên một loại hàng: Hiện Tiếp chuyên kinh doanh hành, khoai tây, tỏi; Thường Hường chuyên cung cấp gừng, cà chua; cơ sở Nga lại tập trung vào các loại rau xanh như cải thảo, cải bắp… Ước chừng mỗi buổi tối có khoảng 500 tấn hàng được vận chuyển, tỏa ra khắp nơi. Đến khoảng 2g sáng, hầu hết xe hàng đã rời bến. Đây cũng là thời điểm những hộ buôn nhỏ trong tỉnh bắt đầu đổ xô về chợ đầu mối...

Xam nhap “tram trung chuyen” nong san Trung Quoc

Khoai tây, hành, tỏi là những mặt hàng chủ yếu xuất đi các tỉnh thành

100% cơ sở không đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm

Chúng tôi tìm tới cơ sở thu gom của bà Ngần trong vai nhà buôn cần đánh hàng về Hà Nội. Cơ sở này nằm đối diện với cổng chính của chợ đầu mối. Biết chúng tôi muốn mua buôn, bà Ngần khẳng định, đây là cơ sở cung cấp giá phải chăng nhất. Theo bà, toàn bộ sản phẩm ở đây không phải qua khâu trung gian nào, được đánh thẳng từ TQ qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Em chồng bà Ngần là người trực tiếp theo từng chuyến hàng. Thông thường, xe nhập hàng xuất phát từ tối ngày hôm trước và “cập bến” vào đêm ngày hôm sau. Nối tiếp như vậy, trung bình, cứ hai ngày, gia đình bà lại nhập một chuyến hàng khoảng 30 tấn.

Bà Ngần cho biết, khoảng 5 năm trước, việc đánh hàng rất dễ, nhưng những năm gần đây thì “kẹt” hơn. Đặc biệt các dịp Tết, do nhu cầu rau củ quả cao nên có khi hàng bị “tắc” đến cả tuần. Khách hàng của cơ sở chủ yếu từ Đà Nẵng, Quảng Nam và TP.HCM. Hàng vận chuyển trên những chiếc xe 30 tấn, thời gian đi mất hai-ba ngày đêm. Giá vận chuyển được bà Ngần tiết lộ là 1,5 triệu đồng/tấn hàng, đã bao gồm cả “phí dọc đường”. Như vậy, với mỗi một xe 30 tấn vào miền Nam, chủ hàng phải trả khoảng 45 triệu đồng.

Bà Ngần gợi ý với chúng tôi, sau vài chuyến “chào hàng”, nếu “hợp tác tốt” thì sẽ có mức giá ưu đãi hơn. Theo giá bà Ngần đưa ra, hành khô loại ngon 6.000đ/kg; hành tây từ 2.000 - 5.000đ/kg, khoai tây từ 3.000-4.000đ/kg tùy chất lượng. Những mặt hàng như cải thảo, cải bắp, cà chua thì chỉ báo giá ở thời điểm lấy, phổ biến ở mức từ 5.000 - 7.000đ/kg.

Xam nhap “tram trung chuyen” nong san Trung Quoc

Xe hàng tập kết tại “phố nông sản Tàu” về đêm

Mức giá của bà Ngần không chênh lệch là bao so với các cơ sở kinh doanh khác. Tại cửa hàng Phong Phú trên đường Nguyễn Văn Cừ, một chị công nhân tư vấn, nếu nấu cho bếp ăn tập thể thì không cần lấy hàng ngon, chỉ dùng những loại vừa tiền như khoai tây sứt, hành tỏi “nhe” (loại hành, tỏi có kích cỡ to)… có giá rẻ chỉ bằng một nửa. Với mặt hàng hành khô và tỏi khô TQ, công nhân sẽ chia thành ba loại: hàng nhe, hàng thường và hàng nhỏ. Loại hành tỏi nhỏ, thậm chí bị lép, không những không bị loại mà còn có giá cao nhất vì sẽ được các tiểu thương trà trộn, hô biến thành “hàng nội” đánh lừa người tiêu dùng.

Một điểm chung giữa các cơ sở kinh doanh mà chúng tôi trực tiếp làm việc là đều không thể xuất được hóa đơn đỏ hay bất kỳ giấy tờ nào xác minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Thấy chúng tôi một mực đòi hóa đơn đỏ để thanh toán với công ty, nhân viên của cửa hàng Phong Phú bật mí: “Chị cứ mua hàng ở đây, em sẽ chỉ đến nơi mua hóa đơn đỏ. Chị muốn ghi bao nhiêu thì tùy, em không “ăn” một xu”!

Về tình hình kinh doanh ở khu vực chợ Hòa Đình, tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Ninh, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước câu trả lời của ông Nguyễn Gia Cảnh - chuyên viên Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: “Chúng tôi chưa đi kiểm tra nên chưa nắm được khu vực này có nguồn nhập hàng từ TQ hay không” (?). Theo ông Cảnh, các xe hàng thường xuyên về đêm nên phải truy xuất nguồn gốc ngoài giờ làm việc mà nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện theo đoàn kiểm tra liên ngành. Mặt khác, ông Cảnh lại cho biết, Chi cục đã tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm của các công ty chuyên thu gom nông sản trên địa bàn để phân phối đi các thị trường. Tuy nhiên, 100% cơ sở đều không thể đạt giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI