Xám Ngố đi thành phố và hành trình tiếp tục chinh phục bạn đọc nhí

26/04/2025 - 07:20

PNO - Nhà văn Bùi Tiểu Quyên vừa ra mắt tác phẩm Xám Ngố đi thành phố, tiếp nối câu chuyện từ cuốn sách trước đó - Hùm Xám qua sông. Giữ nguyên sự trong trẻo và đưa vào một số chi tiết kịch tính, tác phẩm dẫn bạn đọc nhí vào cuộc phiêu lưu đầy màu sắc.

Khơi sự tò mò về vạn vật

Trong những ngày cả nước diễn ra các hoạt động mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 (21/4), nhà văn Bùi Tiểu Quyên giới thiệu Xám Ngố đi thành phố - tác phẩm thiếu nhi mới nhất của chị sau Cà Nóng chu du Trường Sa (năm 2021), sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mìnhHùm Xám qua sông (năm 2024).

Tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Bùi Tiểu Quyên  - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Bùi Tiểu Quyên - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Được giới thiệu là phần 2 của Hùm Xám qua sông, trong Xám Ngố đi thành phố, bạn đọc tiếp tục cùng chú chó nhỏ phiêu lưu đến vùng đất mới. Nếu ở tác phẩm đầu tiên, Hùm Xám và những người bạn ở đảo Thiêng vui đùa cùng nhau thì qua phần 2, cậu chu du đến phố thị. Không còn những người thương, người bạn sống tại đảo Thiêng như bác Giác, anh Cảnh, chị Mưa, anh Đuôi Xòe, Bi Béo, nhà Ngỗng Hoa... mà thay vào đó là nhiều bạn mới.

Trong hành trình của Xám Ngố (Hùm Xám), có những khoảnh khắc cậu lo lắng bởi gặp gỡ nhiều bạn mới, đến các không gian khác lạ hơn. Tuy nhiên, sau những sợ sệt thoáng qua, cảm xúc bao trùm là niềm hân hoan, sự dũng cảm khi Xám Ngố được khám phá những giá trị thuộc về văn hóa, con người.

Ở trang sách đầu tiên, tác giả mở đầu câu chuyện bằng 2 dòng ngắn gọn như giúp bạn đọc nắm được về nhân vật: “Hùm Xám, hãy nhớ con là khuyển truyền ký ức. Hãy luôn khám phá sức mạnh của bản thân và mở rộng giới hạn của mình”... Từ lời dẫn dắt này, hành trình ý nghĩa của Xám Ngố trở nên dễ nắm bắt hơn. Cậu đến vùng đất mới để khám phá, học hỏi nhưng đi cũng là để trở về, tử tế hơn và biết đối đãi với muôn loài bằng lòng trắc ẩn, tình yêu thương.

Xám Ngố đi thành phố mở ra một thế giới động vật muôn màu muôn vẻ. Khi một người bạn mới như Vẹt Xám, Tony Tèo, Thằn Lằn Sẹo... xuất hiện, mỗi con vật không hiện diện theo kiểu điểm danh cho có mà đều đi kèm các tình huống để thể hiện tính cách, câu chuyện gắn với Xám Ngố. Từ những dụng công này của tác giả, bạn đọc như được bước vào một thế giới mà bất cứ loài vật nào cũng có điểm đáng yêu, đáng mến, qua đó đem lại nhiều bài học đầy giá trị.

Trong Xám Ngố đi thành phố, giống như Hùm Xám qua sông, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đưa vào nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử, lồng ghép khéo léo các địa danh, khơi gợi trí tò mò, tình yêu của bạn đọc nhí trước những thông tin tưởng chừng khô khan. Đây là điểm mạnh, góp phần tạo nên giọng văn rất riêng của Bùi Tiểu Quyên trong hành trình đến gần hơn với bạn đọc nhí.

Văn học thiếu nhi không chỉ giải trí

Nhiều năm qua, văn học thiếu nhi trong nước vô cùng khởi sắc. Số lượng tác phẩm dành cho đối tượng độc giả đặc biệt này tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong dòng chảy đáng hoan nghênh ấy, nhà văn Bùi Tiểu Quyên - 1 trong 10 đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025 - luôn hết lòng với văn học thiếu nhi.

Nổi lên từ Cà Nóng chu du Trường Sa (đoạt giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022), nhà văn Bùi Tiểu Quyên như được gợi mở một hướng đi mới cho nghiệp viết. Không còn khu trú trong tản văn hay những tác phẩm dành cho người lớn, Bùi Tiểu Quyên đến với văn học thiếu nhi một cách hết sức tình cờ và sự tình cờ đó đã giúp chị tỏa sáng.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cà Nóng chu du Trường Sa, 2 tác phẩm về Hùm Xám hay sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình không đơn thuần là hành trình đưa các bạn nhỏ vào thế giới thần tiên mà tạo ra nhiều giá trị, thậm chí mang ý nghĩa giáo dục. Trong Cà Nóng chu du Trường Sa, đó là câu chuyện về lòng yêu nước và những địa danh thuộc vùng biển đảo Việt Nam. Trong Hùm Xám qua sông, đó là lòng dũng cảm, là những đêm trăng Hùm Xám được nghe các chú trong vùng tụm lại ca cải lương và cậu thích vô cùng những câu hát ngân nga ấy, là câu chuyện về “Tháng Ba năm Nhâm Dần, anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đánh vào cửa sông, Nguyễn Ánh bày trận thủy binh trên sông Thất Kì...”. Trong Xám Ngố đi thành phố, đó là tấm lòng biết ơn về nơi mình từng sinh sống và những người thân, người thương đã đồng hành. Hơn cả một tác phẩm văn học thiếu nhi, các tác phẩm của nhà văn Bùi Tiểu Quyên gieo vào bạn đọc nhí những mầm lành được kỳ vọng sẽ thành trái ngọt trong tương lai.

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó, việc xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi được đặc biệt nhấn mạnh. Tại Đường sách TPHCM, các hoạt động khuyến đọc cho thiếu nhi rất được quan tâm. Đây cũng là địa điểm nhiều trường chọn để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh gần hơn với sách. Trong hành trình tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ, việc xuất hiện những tác phẩm chất lượng cao, mang nhiều giá trị như Xám Ngố đi thành phố là rất cần thiết để xây dựng tình yêu của trẻ với sách nói chung và với văn hóa đọc nói riêng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI