Vụ dâm ô của cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội với hàng loạt bé gái như một cú hất mạnh đối với những nỗ lực bảo vệ trẻ em. Cú hất ấy làm tung tóe mâm cơm an lành giúp trẻ lớn lên trong trẻo và hạnh phúc với sự góp tay của gia đình, nhà trường, xã hội.
Những câu nói bật lên thảng thốt: “Giờ không biết làm sao để che chở con mình khi mà yêu quỷ lộng hành khắp nơi: trong rừng cây, trong chuồng gà, trên đường bán vé số, trong thang máy, thậm chí trong trường học hay trung tâm bảo trợ”.
|
Ảnh minh họa |
Chưa có một cuộc khảo sát xã hội học quy mô lớn để xác định những nhóm trẻ em nào có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Nhưng trên thực tế, với những vụ án “chìm xuồng” và “nổi xuồng”, có vẻ như nhiều nạn nhân xuất thân từ gia đình không trọn vẹn, hoặc cha mẹ ly hôn, hoặc cha mẹ làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà, trẻ tách khỏi gia đình, lang thang đường phố. Đề cập đến những nhóm này hoàn toàn không phải để quy lỗi cho nạn nhân, mà là nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc bảo vệ trẻ.
Theo lời các bé trong vụ dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội, nhiều bé bị sàm sỡ, quấy rối trong thời gian dài mà không dám lên tiếng vì sợ không ai tin mình. Sợi dây trói ở các em gái này chính là sự bơ vơ, yếu thế và cả suy nghĩ mặc cảm, tự ti: “Em không ngoan, em không đáng được bảo vệ”.
Thật xót xa khi các em tự trói và trân mình chịu đựng những hành vi bệnh hoạn của “cán bộ” - người thế vị cho cha mẹ các em ở ngôi nhà thứ hai này. Và cũng căm phẫn cho kẻ thủ ác khi lợi dụng sự tự ti của các em để khống chế, thỏa mãn dục vọng thấp hèn.
Có thể buổi đầu, người cán bộ đến với công tác xã hội, công tác trẻ em bằng trách nhiệm và tình thương, nhưng rồi bị “quỷ giục” khi có cơ hội, không kiểm soát được khát thèm nông nổi và dần thay máu theo thời gian.
Câu chuyện có lẽ đã tươi sáng hơn nếu các em không rời vòng tay của gia đình và nơi ấy thực sự là một vòng tay ấm. Bất hạnh nhân đôi khi các em thiếu vắng một gia đình đích thực, sa vào cạm bẫy cuộc đời khi tuổi còn quá non nớt, chưa đủ sức chống đỡ hay chỉ là cầu cứu.
|
Ảnh minh họa |
Vụ bé H.G. chín tuổi ở Bến Tre bị hàng xóm hiếp dâm trong căn nhà không cửa của ông bà nội em, bé chịu đựng giày vò đến hai lần bởi không dám nói cho cha biết ngay từ lần đầu bị chú hàng xóm tấn công. Mẹ của bé thì đã chia tay với cha, sống nơi khác và đã có chồng mới. Ở lần bị xâm hại thứ hai, bé đau đến không đi được, bà nội mua thuốc giảm đau cho bé uống mà bé không hé răng vụ bị chú hàng xóm làm đau.
Cho đến khi người cô về thăm nhà, gợi hỏi lâu, bé mới thú thật và còn dặn “cô hứa là đừng nói với ai”. Thật khó tưởng tượng nổi những đớn đau và thử thách mà nạn nhân phải đối mặt trong cô độc, bơ vơ, tuyệt vọng.
Cô bé bị dâm ô trong thang máy ở Q.4, TP.HCM, bé đã có kỹ năng, kịp thời vùng dậy chạy thoát và nói ngay với cha mẹ. Sự việc sẽ không được đưa ra ánh sáng nếu nó chỉ là nỗi sợ hãi, ám ảnh chôn sâu giấu kín trong thang máy, trong góc tối tâm hồn bé, mãi không thốt thành lời. Dù trong thang máy ấy, dù trước người lớn tởm lợm ấy, không có cha mẹ bé nhưng cha mẹ vẫn hiện diện, cha mẹ vẫn là chiếc phao bé quyết liệt với lấy khi gặp nạn.
Thông thường, những “yêu râu xanh” tiếp cận trẻ không đường đột mà có một quá trình đủ để trẻ lên tiếng, gần nhất là với cha mẹ mình. Sự thiếu vắng cha/mẹ hoặc đủ cha đủ mẹ nhưng khoảng cách tâm lý xa vời sẽ tạo độ hẫng và gãy nhịp kết nối, khiến trẻ khó thổ lộ và tội ác bị giấu nhẹm.
Mặt khác, những tên “yêu râu xanh” luôn đe dọa sẽ đánh, giết nếu trẻ mách cha mẹ. Trẻ sẽ có nguy cơ cao bị xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng nếu gia đình không có sự gắn bó an toàn. Dễ hiểu nhất là trẻ tin tưởng được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu, bảo vệ.
Nếu “yêu râu xanh” là người trong nhà thì sao? Thực ra, đối tượng lớn nhất xâm hại tình dục trẻ chính là người thân quen trong gia đình, thậm chí cả cha ruột. Khi đó, sự quan tâm, gần gũi của người lớn trong gia đình càng phát huy tác dụng để phát giác và chặn đứng. Trong đại gia đình, bên nội, bên ngoại dễ kiểm soát chéo nhau và tạo điều kiện, tạo sự an tâm để trẻ nói thật vấn đề mình đang gặp phải.
Trẻ có tin người lớn sẽ chở che được cho mình, có tin lời dọa kia chỉ là lời dọa, có tin cái ác thế nào cũng bị trừng trị? Vai trò của gia đình rất lớn trong việc xây dựng niềm tin này, hơn cả trang bị cho con môn võ thuật để thủ thân khi bất trắc. Khi đọc thấy những vụ xâm hại tình dục mới xảy ra, thay vì hoang mang, phụ huynh hãy nhắc mình không chủ quan bởi vấn nạn này có thể rơi vào bất cứ nhà nào.
Chuẩn bị cho con sự tự tin, kỹ năng phòng chống, đặc biệt là xây dựng sự gắn kết thông thoáng, sẻ chia tuyệt vời giữa các thế hệ. Một không khí tích cực của gia đình sẽ đẩy lùi nguy cơ, dù cha mẹ có luôn bên con hay không.
Tô Diệu Hiền