Xâm hại tình dục trẻ em: Nhiều vụ khó phát hiện

15/06/2016 - 07:16

PNO - Sáng 14/6, Viện KSND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về phòng, chống các tội xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em tại TP.HCM.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho thấy những bất cập trong công tác phối hợp, vận dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm XHTD.

Báo cáo của VKSND TP cho thấy, trong bốn năm 2012-2015, cơ quan này thụ lý, giám sát điều tra 966 vụ án với 826 bị can về các tội XHTD, chủ yếu là XHTD trẻ em. Trung bình, mỗi năm, khởi tố mới 169 vụ án, 142 bị can về các tội danh XHTD trẻ em.

Xam hai tinh duc tre em: Nhieu vu kho phat hien
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Theo nhận định của VKS, con số này chưa phản ánh đúng thực tế, nhiều vụ XHTD trẻ em không được trình báo vì nhiều lý do. Số bị can luôn thấp hơn số vụ án được khởi tố là đặc điểm đau lòng của loại tội phạm này. Số vụ án tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định được đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn là 136/966 vụ với 29/826 bị can như một “món nợ” của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với xã hội.

Theo VKSND TP, địa bàn phạm tội xảy ra chủ yếu ở vùng ven, ngoại thành, nhiều nhất là ở các quận Bình Tân, Thủ Đức, huyệ n Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như xã hội, nhà trường, gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc, dạy trẻ các kỹ năng phòng chống XHTD; lối sống, đạo đức suy đồi; công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội; trẻ em sớm phát triển về tâm sinh lý… Người phạm tội tha hóa về đạo đức (cha ruột, cha dượng, chú cậu… xâm hại chính con, cháu ruột, con riêng của vợ; có kẻ mất nhân tính, xâm hại trẻ thiểu năng, khuyết tật), do tác động của rượu bia...

Không ít trẻ mới lớn do tâm lý tò mò nhưng thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, không biết tự bảo vệ mình trước sự tấn công của đối tượng, hoặc quá dễ dãi, ham chơi, đua đòi, mất cảnh giác trong việc kết bạn nên bị các đối tượng xấu rủ rê.

Đại diện VKSNDTP đã chỉ ra những khó khăn trong phát hiện, phòng ngừa tội phạm XHTD trẻ em: hầu hết số vụ không bắt quả tang, không người làm chứng, nhiều vụ người bị hại còn quá nhỏ, nhận thức hạn chế… Bên cạnh đó, một số vụ XHTD được gia đình trình báo, nhưng cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để khởi tố bị can, hoặc cơ quan điều tra đã khởi tố nhưng VKS phải ra quyết định hủy bỏ vì không đủ căn cứ.

Liên quan đến việc chứng cứ chứng minh tội phạm, ông Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM cho biết, hiện công tác giám định pháp y còn nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và cơ quan pháp y chưa thật sự nhuần nhuyễn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện PC45, Công an TP.HCM cho biết, góp phầ  dẫn đến thực trạng này còn có những nguyên nhân khác như khi phát hiện, gia đình không tố giác mà yêu cầu bồi thường hoặc thỏa thuận chờ đủ tuổi tổ chức kết hôn, cho sinh con hoặc phá thai, tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục sống chung… Thậm chí, có trường hợp sau khi bị tố giác, đối tượng cùng nạn nhân bỏ trốn, đối tượng chối tội, phản cung, trong khi phần lớn các vụ án không có nhân chứng, phát hiện trễ.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI