Xâm hại tình dục trẻ em: Nhiều nút thắt dễ đi vào ngõ cụt

15/03/2017 - 12:46

PNO - Các vụ án hiếp dâm, nhất là các vụ việc xảy ra với trẻ em thường đi vào ngõ cụt hoặc “chìm” giữa chừng bởi quá trình xử lý còn nhiều bất cập, từ cả phía gia đình nạn nhân, quy định pháp luật,...

Xung quanh các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây, trao đổi với báo Phụ Nữ, luật sư Trần Thị Thu Hà - Chánh Văn phòng Cơ quan phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng, hầu hết các vụ án đi vào bế tắc là do không đủ chứng cứ.

Không phải chỉ “chạy” đến công an

Theo bà Hà, người dân không biết rằng ngoài cơ quan công an, còn nhiều tổ chức khác có bổn phận phải trợ giúp cho nạn nhân và gia đình người bị hại. Bộ LĐ-TB-XH đã có Thông tư 23 quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Xam hai tinh duc tre em: Nhieu nut that de di vao ngo cut
Mẹ bé gái lớp 1 nghi bị xâm hại ở Thủ Đức tố cáo vụ việc để giành lại sự công bằng cho con.

Theo đó, khi phát hiện trẻ bị xâm hại, ngoài trình báo công an, gia đình cũng cần đến ngay UBND phường xã gặp cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em để được làm các thủ tục và hướng dẫn. Cán bộ này sẽ trợ giúp gia đình nạn nhân trong suốt quá trình điều tra, thậm chí đối với những hoàn cảnh khó khăn, sẽ được giúp kinh phí giám định, điều trị... “Hầu như ít ai biết đến vị cán bộ này nên đã không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ”, bà Hà nói.

Vì nhiều lý do “tế nhị”, gia đình cũng không ý thức được vai trò của luật sư trong các vụ xâm hại tình dục ở trẻ. “Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, nếu gia đình nào có điều kiện, nên mời luật sư tham gia ngay từ đầu. Đừng nghĩ đến khi ra toà xét xử mới cần đến họ. Việc có luật sư tham gia xuyên suốt quá trình từ lúc lấy lời khai, bảo vệ chứng cứ, điều tra… sẽ giúp vụ án dễ dàng hơn”.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp khẩn cấp, người nhà hoặc bất kỳ ai thấy, phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục hoặc bạo hành, cần gọi ngay đến các đường dây nóng để có sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Bao gồm, đường dây nóng 1800.1567 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH); đường dây nóng 1900.545559 thuộc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM và đường dây nóng 1800.9069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Ngoài hướng dẫn cho người dân một số cách xử lý ban đầu, những nơi này còn có thể giúp kết nối ngay với công an phường xã gần nhất, giúp hỗ trợ tư vấn từ luật sư. Với hộ nghèo, diện chính sách luật sư có thể tham gia hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, tại TP.HCM, còn có Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho gia đình nạn nhân.

Tự giám định không có giá trị pháp lý

Vì rất hiếm vụ việc bị bắt quả tang, do đó trong quá trình xử lý nguội, theo bà Hà, các vụ án thường “chìm xuồng” do không đủ chứng cứ. Gia đình không biết các thông tin đã đề cập ở trên để có thể thực hiện những biện pháp bảo vệ chứng cứ tốt nhất.

“Khi xảy ra vụ việc, người dân không được hướng dẫn các kiến thức như không tắm rửa cho trẻ, phải giữ nguyên hiện trạng đưa đến cơ quan chức năng để được trưng cầu giám định trong vòng 72 tiếng đồng hồ v.v… Nên các chứng cứ ban đầu quan trọng dễ bị vuột đi mất.

Có trường hợp khi xảy ra, không đến cơ quan chức năng mà lại đi qua nhà nghi phạm để chửi bới, xô xát hoặc có khi thương lượng. Thượng lượng không được mới tố cáo. Lúc này vụ việc càng thêm phức tạp, khó đi đến nơi”, bà Hà đưa ra ví dụ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền - nguyên Tổ trưởng Tổ Pháp y TP.HCM (tiền thân của Trung tâm Pháp y TP.HCM) - cho rằng, cách bảo vệ chứng cứ hay nhất là đến trình báo cơ quan công an thật sớm để cơ quan này đưa đi trưng cầu giám định pháp y sớm nhất. Kết quả tự đi giám định, không có trưng cầu của cơ quan công an, sẽ không có giá trị pháp lý. Các trường hợp đến khám tại các cơ sở y tế cũng khó có giá trị pháp lý.

“Bởi kết quả lâm sàng chỉ có thể đánh giá các tổn thương về mặt bệnh lý, chẳng hạn như rách màn trinh. Tuy nhiên, ngoài khám thực thể, xác định ADN… kết quả pháp y còn có thể xác định việc rách màn trinh là do vật nào gây ra. Cái này quan trọng để từ đó có thể xác định hành vi dâm ô, hiếp dâm, giao cấu hay chỉ là… thủ dâm”, bác sĩ Tuyền phân tích.

Hơn nữa, trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra còn có thể trưng cầu giám định pháp y tâm thần, để có thể biết chính xác tổn thương tinh thần, nhận diện hành vi, hoặc các rối loạn tâm lý của nạn nhân, giúp vụ án sáng tỏ.

Tuy nhiên, ngoài kết quả giám định pháp y, cơ sở quan trọng khác của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em chính là lời khai của bị hại, nhân chứng, lời thú nhận của thủ phạm… thế nhưng quá trình điều tra lấy lời khai, nạn nhân trẻ em thường rất sợ chính khâu này.

Rào cản điều tra viên

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho thấy những 'rào cản'. Dù chứng cứ pháp y rất quan trọng, nhưng thủ tục còn khá nhiêu khê trong quá trình khám, giám định. "Trong một số trường hợp khẩn cấp, chúng tôi đã can thiệp để có thể đến giám định pháp y trước, nhằm bảo vệ chứng cứ, sau đó cơ quan điều tra sẽ bổ sung giấy giới thiệu trưng cầu sau", bà Minh kể.

Bên cạnh đó, 'rào cản' điều tra viên thiếu các kỹ năng tiếp cận trẻ, tâm lý trẻ cũng là vấn đề khá bức xúc. “Mặc dù đã có nhiều lớp tập huấn các kỹ năng này cho cán bộ điều tra. Tuy nhiên, người đi học (thường ở cấp quận huyện, tỉnh thành) về lại không làm, người làm công tác trực tiếp ban đầu tại phường xã thì lại không được đi học.

Đã không có kỹ năng, lại bị áp lực từ công việc quá nhiều, điều tra viên thường giao tiếp không tốt. Chỉ buộc nạn nhân, gia đình hỏi và trả lời khiến người dân cảm thấy không được chia sẻ, không được tôn trọng", bà Minh dẫn chứng.

Cũng theo bà Minh, khi tiếp xúc trẻ, điều tra viên thường là nam giới. Đối với trẻ gái bị xâm hại (đang khủng hoảng về tâm lý) sẽ rất sợ vì cảm giác đó chính là thủ phạm. "Việc phải đến cơ quan điều tra nhiều lần, có khi yêu cầu người nhà ra ngoài hết chỉ còn riêng mình trẻ với điều tra viên, hoặc nhất là yêu cầu dựng lại hiện trường, đối chất với nghi phạm v.v… đã khiến nạn nhân, gia đình tổn thương thêm nhiều lần. Họ sợ đưa con đến công an. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến lời khai của trẻ", bà Minh phân tích.

Theo bà Minh, chính bà đã phải dành ra hơn 3 giờ chơi với trẻ, sau đó mới lấy được lời khai như một lời “tâm sự” của cô bé nạn nhân năm tuổi. Quả thực, việc lấy lời khai chính xác theo kiểu này, là một đòi hỏi “quá khó” đối với các điều tra viên.

Tóm lại, người dân thiếu kiến thức, thiếu thông tin để bảo vệ chứng cứ. Trong khi đó, các thủ tục để thu thập, củng cố chứng cứ như giám định pháp y, điều tra lấy lời khai… còn quá phức tạp, bất cập, nhiều “nút thắt” khó tháo gỡ. Vì thế. nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, dễ đi vào ngõ cụt.

Theo số liệu trong 5 năm, từ 2012 đến 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%. Đặc biệt, có sự gia tăng nạn nhân nam trong xâm hại tình dục trẻ em.

Bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

Cần có quy trình tố tụng đặc biệt đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, đã có nhiều vụ án xâm hại tình dục (XHTD) có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng xót xa ấy, theo tôi là hồi chuông báo động mạnh mẽ cho toàn xã hội về việc phải tăng cường các giải pháp phòng chống tội phạm XHTD trẻ em.

Trong “tam giác” gia đình - nhà trường - xã hội cùng bảo vệ trẻ em, lâu nay chúng ta vẫn quy hết trách nhiệm về gia đình, yêu cầu phụ huynh cần sớm quan tâm đến vấn đề giới tính, dạy trẻ biết bảo vệ bản thân, nhận dạng cử chỉ yêu thương và lạm dụng; thúc đẩy phát triển các giá trị gia đình bên cạnh tác động của nhà trường, xã hội trong tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật, nhân cách, đạo đức con em.

Điều này đúng, nhưng theo tôi, đã đến lúc cần nhận rõ những lỗ hổng pháp luật cả về ngăn ngừa tội phạm lẫn xử lý tội phạm XHTD trẻ em. Chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội có quy trình tố tụng đặc biệt hơn, nhanh hơn trong việc xử lý các vụ án XHTD, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có tâm, có nghề, am hiểu tâm lý và quyết liệt đi đến cùng đối với các vụ án XHTD.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI