Xâm hại tình dục trẻ em: Lỗ hổng pháp luật và tiếng kêu xé lòng

13/03/2017 - 19:04

PNO - Chúng ta đang sống trong thời nào, mà một đứa trẻ bị xâm hại tình dục đã phải đề nghị mẹ lên tiếng nhằm giúp các bạn không bị như mình? Biết bao giờ mới dứt những tiếng kêu xé lòng?

 

Hiện nay có một thực tế là cơ quan điều tra chưa tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tham gia giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời trình tự, thủ tục tố tụng từ khi khởi tố cho đến khi kết thúc vụ án kéo dài gây ra mệt mỏi, thiệt thòi, tốn kém cho phía gia đình bị hại.

Việc bồi thường về vật chất và tinh thần cho trẻ em bị thiệt hại đa số là từ sự vận động, quyên góp của các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân, các tổ chức xã hội, chứ việc thi hành án yêu cầu bồi thường đối với những người vi phạm là không thể thực hiện trên thực tế (vì hầu như khi chấp hành hình phạt tù xong thì không có tài sản để thi hành án).

Hãy làm thế nào giảm bớt mọi thủ tục (nếu có thể) và hãy cho người nhà đưa trẻ đi khám các bệnh viện gần nhất có các hội đoàn địa phương hay tổ trưởng dân phố. Dân phòng, công an khu vực là những nơi gần nhất cùng tham gia đưa trẻ đi khám lấy chứng cứ trong lúc chờ thủ tục theo tố tụng, xem đây cũng là chứng cứ hợp pháp để bổ sung vào hồ sơ.

Cơ quan tiến hành tố tụng vì muốn tránh oan sai, đã làm “rất kỹ”, vô tình làm kéo dài thời gian… gây tổn thương cho trẻ. Thực tế, chứng cứ của các vụ XHTD rất khó xác định nếu không bắt quả tang, không có người làm chứng, trẻ bị hại quá nhỏ, chưa nhận thức, hoặc nhận thức hạn chế.

Việc giám định pháp y còn nhiều hạn chế, không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về XHTD cho trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm với đặc điểm loại tội phạm dễ mất chứng cứ. Việc không công khai kết quả giám định pháp y cho gia đình bị hại cũng là yếu tố khiến việc hỗ trợ khởi kiện gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS), trong giai đoạn xác minh tố giác tội phạm về hành vi XHTD, LS chỉ được tư vấn, hỗ trợ pháp lý chứ chưa có quy định cụ thể về việc LS được tham gia trực tiếp vào quy trình tố tụng ngay từ đầu, dẫn đến nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nạn nhân. Vì vậy, nếu người tiến hành tố tụng không công tâm hoặc yếu nghiệp vụ, chuyên môn thì khó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.

Đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự, LS được tham gia trực tiếp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Tuy nhiên, văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể, đặc thù cho loại đối tượng là người chưa thành niên này dẫn đến hiệu quả bảo vệ quyền lợi không cao, không giải quyết được triệt để vấn đề, thậm chí có thể gây tổn thương tâm lý nặng nề cho nạn nhân trong một quá trình dài tham gia tố tụng hình sự.

Theo quy định tại khoản 8 điều 157 Bộ luật TTHS (sửa đổi) 2015, trường hợp không truy tố do người bị hại hoặc đại diện cho người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn yêu cầu bao gồm cả một số tội trong nhóm tội phạm XHTD. Tôi kiến nghị nên xem xét lại quy định này theo hướng: nếu người bị hại hoặc gia đình người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn yêu cầu thì chỉ xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi quyết định hình phạt mà thôi.

Đồng thời, nên đưa XHTD trẻ em vào dạng điều tra đặc biệt để không bỏ lọt tội phạm, gây thiệt thòi cho nạn nhân. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI