Thông tin này khiến chị em phụ nữ hoang mang. Nhưng thực tế, các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị biến chứng với những kiểu làm đẹp tưởng chừng đơn giản như: bơm môi, xăm chân mày, nhấn mí…
Mê khuyến mãi, tin vào “bác sĩ hàng đầu châu Á”
Vào bệnh viện với mắt trái không nhìn thấy, gương mặt sưng phù, vùng mũi, trán, chân mày đầy dịch mủ, da bắt đầu hoại tử, vùng môi biến dạng, chị T.K.L. (29 tuổi, ngụ tại TP.HCM) tự ti, luôn quay mặt vào tường, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người thân.
|
Biến chứng từ làm môi trái tim và nâng mũi |
Thỉnh thoảng, chị khóc rấm rứt vì lo lắng gương mặt đang biến dạng. Khai thác bệnh sử, bác sĩ biết được chị tiêm filler (chất làm đầy) ở môi, mũi khoảng 4 ngày rồi tiếp tục đi xăm chân mày. Sau đó, chị thấy đau, nặng vùng thái dương, chân mày phồng rộp, tấy đỏ nhưng chỉ ở nhà uống thuốc giảm đau.
Sau nhiều ngày uống thuốc mà vùng chân mày không thuyên giảm, vùng môi, mũi lại có dấu hiệu căng đau, rộp da, ứ dịch, mắt trái ngày càng mờ, gần như không nhìn thấy, chị hoảng loạn, nhờ người thân đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khám bệnh.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị L. bị biến chứng từ những lần làm đẹp trước đó, vùng mũi gần như hoại tử hoàn toàn, filler lan qua mắt trái, khả năng mù rất cao.
Ban đầu, bác sĩ phải hút dịch, phẫu thuật loại bỏ phần mô hoại tử ở mũi, mắt, chân mày cho chị. Sau khi ổn định, chị sẽ được kiểm tra thị lực, ghép da thẩm mỹ, tuy nhiên phải để lại sẹo về sau do vùng hoại tử quá lớn.
Theo chị L., do đang có nhu cầu làm đẹp, chị lên các trang mạng để tìm hiểu và quyết định chọn một spa tại Q.10 để thực hiện. Chị cho hay, nếu nâng mũi ở spa này, khách hàng sẽ được khuyến mãi làm môi trái tim và xăm chân mày chỉ với giá 2.500.000 đồng.
Khi xem danh sách bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại TP.HCM mà spa cung cấp, chị khá yên tâm vì bác sĩ có hơn 15 năm kinh nghiệm và được công nhận là một trong năm “bác sĩ hàng đầu châu Á”.
Chị N.P.H.H. (31 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được người nhà đưa vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cấp cứu trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, kiệt sức, sau đó rơi vào hôn mê.
Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện chị bị sốc phản vệ do thuốc tê khi xăm chân mày. Tuy chị H. được cấp cứu kịp nhưng bác sĩ tiên lượng rất khó vượt qua. Chị H. cũng chọn cơ sở làm đẹp được quảng cáo là thẩm mỹ viện với “bác sĩ hàng đầu châu Á”.
Không may mắn như 2 trường hợp trên, ngày 29/10, bà P.T.L. (65 tuổi, quê Tiền Giang) đã tử vong do xuất huyết não quá nặng. Theo thông tin người thân bà L. cung cấp với bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trước đó bà L. đi xăm chân mày. Về nhà, bà than mệt, khó thở rồi rơi vào suy hô hấp. Tuy được cấp cứu, điều trị tích cực nhưng bà vẫn không qua khỏi.
Hầu hết khách hàng đều khó qua khỏi khi sốc phản vệ
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - hiện nay các tiệm spa, massage hay những cơ sở tự đề bảng hiệu viện thẩm mỹ… mọc lên như nấm.
Ở những nơi này, ngoài các gói siêu khuyến mãi, gần như đều “nổ” rằng có bác sĩ hàng đầu châu Á, với nhiều chứng chỉ ảo được trưng bày. Nếu khách hàng không tỉnh táo sẽ dễ rơi vào bẫy. Khi đó, không được làm đẹp đã đành, một khi bị sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.
Hiện tại, khoa Thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có hơn 10 bệnh nhân bị biến chứng do xăm chân mày, nhấn mí mắt, nâng ngực, bơm mông… đang được điều trị. Người bệnh bị dị ứng toàn thân hoặc dị ứng tại chỗ do làm đẹp tại các cơ sở bên ngoài. Nguyên nhân chủ yếu do thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.
|
Hỏng cả khuôn mặt vì xăm chân mày, tiêm filler nâng mũi, bơm môi |
“Thật ra phẫu thuật thẩm mỹ rất ít khi bị biến chứng, sốc phản vệ, nhưng khi đã bị sốc thuốc gây tê, người bệnh rất khó qua khỏi, nhất là sốc thuốc tại các cơ sở làm đẹp chui. Ở những nơi này, người làm đẹp cho khách không phải là bác sĩ thẩm mỹ, hầu hết chỉ là người bình thường, tự học nghề lẫn nhau rồi tự khoác danh bác sĩ “hàng đầu châu Á”, thậm chí “hàng đầu châu Âu” với 15, 20 năm kinh nghiệm.
Hiện ở TP.HCM chỉ có 150 cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hoạt động nhưng có đến hơn 10.000 tiệm spa, massage, thậm chí gội đầu, cắt tóc cũng cung cấp dịch vụ làm đẹp với giá rất rẻ.
Khi gặp biến chứng, sốc thuốc, họ không thể cấp cứu đúng cách; thêm vào đó, tâm lý sợ hãi khiến họ giữ người bệnh làm cho bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Hùng nói thêm.
Ngoài ra, người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết khối… càng có nguy cơ biến chứng rất cao nếu không được tầm soát, theo dõi kỹ trước và sau khi làm đẹp.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - cho biết, trung bình mỗi tuần, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận hai ca bị biến chứng sau làm đẹp. Bệnh nhân chủ yếu từ 20-30 tuổi, bị biến chứng vì tiêm chất làm đầy để nâng mũi, má, vòng một, cắt lúm đồng tiền...
Khi bị biến chứng sau làm đẹp, người bệnh phải tốn chi phí gấp 3-4 lần số tiền bỏ ra làm đẹp trước đó. Tuy nhiên, sau khi điều trị thành công, những nơi biến chứng cũng không thể lấy lại được nét đẹp ban đầu. Bệnh nhân phải sống với sẹo to, lồi, lõm suốt đời.
Bác sĩ Tuấn khẳng định: “Xăm chân mày, nhấn mí mắt, nâng mũi... có sử dụng thuốc gây tê, gây mê hoặc chỉ cần bôi tê nhưng sau đó kim lăn đẩy thuốc tê này vào mạch máu cũng có thể dẫn đến sốc thuốc; nếu xảy ra phản ứng, ngộ độc thuốc đều có thể gây tử vong.
Đa số cơ sở làm đẹp thường bôi tê nhưng khi khách hàng sợ kim hay chịu đau kém, họ sẽ đổi qua tiêm thuốc tê. Một số khách hàng có thể bị sốc thuốc tê hoặc nếu khách hàng cao huyết áp, nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao. Ngay cả dạng thuốc an thần, kháng sinh, giảm đau sau làm đẹp cũng có thể làm dị ứng, sốc thuốc gây tử vong”.
Ngoài ra, người bệnh còn nhầm lẫn dấu hiệu phản ứng thuốc, ngộ độc thuốc với những căn bệnh thông thường nên không tới bệnh viện sớm để được can thiệp. Đến khi không còn chịu nổi mới đến bệnh viện thì đã quá muộn. Hoặc có thể sự ngộ độc diễn ra quá nhanh nên gia đình không trở tay kịp.
Nếu có những dấu hiệu: chóng mặt, đi đứng liêu xiêu, tim đập nhanh, khó thở... là bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nặng, dễ tử vong.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo: “Ai cũng muốn trở nên đẹp hơn nhưng trước khi quyết định làm đẹp, chị em nên tìm hiểu các cơ sở uy tín hơn là ham rẻ, ham đẹp nhanh để rồi lãnh hậu quả khôn lường.
Chức năng của spa là massage thư giãn nhưng hiện nay, các tiệm spa, phun xăm... vẫn ngang nhiên tiêm thuốc tê, lăn kim để thực hiện xăm môi, xăm mày. Thậm chí vì tiền, các cơ sở này còn nhận làm các thủ thuật lớn hơn như hút mỡ bụng, nâng ngực… Những kỹ thuật này thuộc ngành y tế, đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề và phòng khám phải có dụng cụ, thuốc cấp cứu khẩn cấp”.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện đơn vị chỉ cấp phép cho gần 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, đảm bảo nghiêm các điều kiện hoạt động như có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Chưa có cơ sở dạy nghề thẩm mỹ nào về xăm, phun, thêu trên da được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cấp phép hoạt động nhưng nhiều nơi đã ngang nhiên bất chấp quy định. Ngoài tự hành nghề, chủ các cơ sở này còn đứng ra dạy nghề, cấp chứng chỉ cho người học. Đây là hành vi rất nguy hiểm.
Từ đầu năm tới nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là tiệm làm đẹp, chăm sóc da. Tuy nhiên, việc kiểm soát rất khó khăn vì ngày càng nhiều nơi “điếc không sợ súng” cứ liên tục mọc lên.
Phạm An