Xài tiền của chồng con

15/01/2019 - 06:00

PNO - Tuổi già nay ốm, mai đau nên tôi lui về an phận với chức danh bà nội trợ. Nhưng thật sự mà nói, xài đồng tiền không phải do mình làm ra cũng lắm đắng cay.

Phụ nữ nội trợ, quanh quẩn ở nhà tưởng là không có gì để bận tâm ngoài việc nấu nướng những bữa ăn ngon cho gia đình, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, chăm sóc chu đáo cho chồng con. Nhưng không, chỉ riêng hai chữ nội trợ thôi đã nảy sinh không biết bao nhiêu chuyện đầy tâm trạng, mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu. 

Tôi nay đã xấp xỉ sáu mươi. Thời thanh xuân lo báo hiếu cha mẹ, quá ba mươi tôi mới có hạnh phúc riêng. Lập gia đình rồi thì mải miết kiếm tiền lo cho tổ ấm, bởi ông xã làm thuê đồng lương có hạn. Sáng mở mắt, tôi đã phải tất tả ngược xuôi với xe bánh mì. Trưa về chui xó bếp lo cơm nước, đưa đón con đi học, giặt quần áo, rồi chạy chợ mua nguyên liệu cho buổi bán ngày mai. Vất vả là thế nhưng cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, không vướng nợ đã mừng chứ chẳng dám mơ chuyện làm giàu. Nuôi hai con học hết đại học thì mình cũng đến tuổi sáu mươi. 

Xai tien cua chong con
Ảnh minh hoạ

Tuổi già nay ốm, mai đau nên tôi lui về an phận với chức danh bà nội trợ. Nhưng thật sự mà nói, xài đồng tiền không phải do mình làm ra cũng lắm đắng cay. Chồng đưa mỗi tháng ba triệu đồng gồm cả ăn sáng, cơm hai bữa và thuốc men chữa bệnh. Hai con cũng đi làm, mỗi đứa góp thêm hai triệu đồng, cũng bao gồm tất tần tật các thứ như cha nó. Ngoài ra, còn các chi phí sinh hoạt trong nhà cũng từ số tiền ấy mà chi. Suy nghĩ tính thực đơn mỗi ngày đã đủ mệt, chưa kể chồng không ăn cá, con không ăn thịt, phải nhớ thói quen, sở thích mỗi người mà đi chợ. Tính toán thế nào thì cũng chỉ ba tuần là hết sạch tiền cả tháng nên tôi cứ loay hoay. Đành phải tìm việc này việc nọ làm thêm ở nhà, tuy thu nhập thấp nhưng có thể bù vào các khoản linh linh để không thiếu hụt. 

Ngặt nỗi, thi thoảng hàng xóm hoặc bà con, bạn bè đưa thiệp mời đám cưới, tôi không biết lấy đâu ra tiền mừng. Hỏi thì chồng nhăn “sao riết rồi chuyện gì cũng hỏi tiền anh hết, anh đâu phải ngân hàng”. Xin con thì con cũng cho nhưng than thở “mẹ xài bớt bớt lại, con ra ngoài kiếm tiền vất vả lắm…”. Nhiều khi thấy tủi thân, lặng lẽ khóc một mình chẳng dám nói với ai. Vậy ra, những ngày mình cực khổ để chèo chống lo cho gia đình đều vô nghĩa. Chẳng ai nhớ để mà bù đắp… 

Xai tien cua chong con
Ảnh minh hoạ

Trong nhà đã vậy, bước ra đường gặp ai cũng thốt lên “cô dạo này sướng nha, thảnh thơi ở nhà chồng con nuôi, chẳng phải làm lụng kiếm tiền vất vả như trước”. Mấy bà bạn lâu ngày không gặp, rủ ra ngoài ăn uống, tìm cách từ chối khéo thì bị quở: “Người ta dạo này lên hương rồi, còn nhớ gì đến ai”. Thiệt tình! Không lẽ đem chuyện nhà phơi bày cho mọi người để minh oan. Mà biết có ai chịu hiểu không, hay rồi lại rơi vào trường hợp như cổ nhân thường khuyên răn. Đừng tùy tiện phơi bày vết thương của mình cho người khác xem, vì bạn chẳng phân biệt được ai sẽ là người bôi thuốc cho bạn, ai là người xát muối vào nó… 

Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cảm thấy hối tiếc cho quãng đời hy sinh của mình khi còn có thể kiếm ra tiền. Giá như tôi có thể dành dụm chút tài sản cho riêng mình, thì giờ đây tôi đã không đến nỗi sống phụ thuộc vào chồng con như vậy. 

Thiên Thu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI