Xách... Van Gogh đi chơi

22/07/2017 - 16:26

PNO - Xu hướng nâng tầm nghệ thuật cho những sản phẩm tiêu dùng thường ngày đang phát triển mạnh ở nhóm hàng hóa xa xỉ, mà tiêu biểu là trên những chiếc túi xách “hàng hiệu” của chị em.

Jeff Koons là nghệ sĩ thị giác đang giữ kỷ lục về giá bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật đương đại. Năm 2013, tác phẩm điêu khắc trường phái neo-pop art có tên Balloon Dog (màu cam) đã được bán tại nhà Christie’s với mức giá không tưởng là 58,4 triệu USD. 

Đáng nói, đây chỉ là một trong năm “con chó bong bóng” mang năm màu khác nhau. Hình ảnh từ tác phẩm này mới đây còn được tạo thành thẻ tên móc trên dòng “túi xách hội họa” của một trong những nhãn hàng xa xỉ bậc nhất thế giới. 

Xach... Van Gogh di choi

Diễn viên Michelle Williams với chiếc túi hình tranh Van Gogh trong triển lãm tại Bảo tàng nghệ thuật Louvre ở Paris

Người sáng tạo loạt sản phẩm từ túi xách đến ví, balô này cũng chính là Jeff Koons. Sự kết hợp của nghệ sĩ đương đại người Mỹ với nhãn hàng xa xỉ xuất xứ từ Pháp này đương nhiên gây tò mò với không chỉ giới hoạt động nghệ thuật. 

Ra mắt chính thức từ tháng 4/2017, đến nay ở Việt Nam cũng đã có trưng bày những chiếc “túi xách hội họa” này. Theo nhà sản xuất, còn nhiều sản phẩm mang khuynh hướng nghệ thuật tương tự sẽ ra mắt trong năm nay.

Với dòng sản phẩm mang tên Masters Collection, Jeff Koons đã kết hợp những hình ảnh biểu tượng dễ nhận diện của thương hiệu với những kiệt tác của các danh họa vĩ đại Fragonard, Rubens, Da Vinci, Titian và Van Gogh. Ngay mặt ngoài của những chiếc túi xách là hình ảnh từ các tác phẩm lừng lẫy như Nàng Mona Lisa, Cánh đồng lúa mì vàng, Giấc ngủ thần Vệ Nữ…

Những hình ảnh này có thể là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Kèm mỗi kiệt tác in trên túi là tên của danh họa, nên có thể nói đây là một cách để xách... Van Gogh hay Leonardo Da Vinci đi chơi. Tuy nhiên, những bức tranh trên túi xách không chỉ được in lại từ nguyên tác mà một phần trong đó lấy từ bộ sưu tập sắp đặt trên kiệt tác hội họa kinh điển mang tên Gazing Ball của chính Jeff Koons.

Như vậy, các danh tác cũ xưa đã được trải nghiệm theo một cách mới. “Chúng tôi cũng có chung mục đích tạo ra sản phẩm sử dụng chất liệu, cấu tạo, màu sắc để giao tiếp và thể hiện sự tự do trong ứng dụng nghệ thuật”, nghệ sĩ đương đại Jeff Koons nói. 

Việc xách tác phẩm hội họa trên tay hay mặc trên người, in trên những vật dụng không phải là điều mới mẻ, cách mà Jeff Koons đang làm chỉ có tính tiếp nối; nhưng điều nổi trội là nghệ sĩ đương đại nổi danh này đã biến những vật vô tri thành tác phẩm nghệ thuật từ năng lực bản thân.

Khi được giới thiệu trên mạng Instagram, những chiếc túi tái hiện các tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của nhân loại đã được miêu tả là “gây xôn xao cộng đồng mạng” và có tác dụng “trẻ hóa” hình ảnh cho thương hiệu. Xét ở góc độ thương mại, đây là hướng đi khôn khéo khi khai thác được những hình ảnh đã trở nên “phổ quát”, mang tính chất “tài sản chung của nhân loại” để “làm sang” cho các vật dụng thông thường của mỗi cá nhân. 

Với những người tôn sùng nghệ thuật thuần chất, cuộc “hôn phối” giữa nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật đương đại, việc vẻ đẹp chuẩn mực bị “móc nối” vào guồng quay thương mại là khó có thể chấp nhận. Không thể gắn tranh Da Vinci với tạo hình của Jeff Koons. Đối với họ, nghệ thuật đương đại với nhiều tác phẩm (hoặc sản phẩm) nhiều khi chỉ là những hình thù “kỳ quái”, sinh ra là để phục vụ cho chủ nghĩa tiêu thụ. Ý nghĩa biểu tượng cho vẻ đẹp tinh thần của tác phẩm nghệ thuật, đi liền với tính chất “vô dụng” như quy ước lâu nay, khi đó đã bị lu mờ. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI