Khi các con nói làm passport đưa mẹ đi du lịch nước ngoài, bà lắc đầu nguầy nguậy: “Thôi, già rồi đi chi cho tốn tiền. Con cháu còn trẻ thì cứ đi đi, mẹ ở nhà chơi cũng vui rồi”. Nhưng các con quyết tâm dẫn mẹ đi chơi, biết bà từ chối vậy cũng chỉ là tiếc tiền. Đi nước ngoài đâu có tour nào rẻ. Đến Vạn Lý Trường Thành, số tiền cho một người không dưới 20 triệu. Nhưng rồi mẹ cũng lên đường.
|
Du lịch với mẹ là hạnh phúc của con, nhưng mấy ai làm được. Hình minh họa. |
Trước chuyến đi, bà cắt tóc ngắn, “cho mới”. Lâu nay bà vẫn để tóc dài rồi búi lên – nếp tóc của những người già miền quê. Các con nhìn mẹ lạ lẫm, rồi cười tủm tỉm trêu: “Trông mẹ trẻ ra thêm chục tuổi”. Rồi mẹ dành hẳn mấy ngày soạn hành lý. Người trẻ đi chơi mang theo nhiều quần áo đẹp để chụp ảnh, nhưng người già tỉ mẩn coi đi coi lại có thiếu chai dầu gió, cái khăn đội đầu, đôi dép nào mang dễ đi bộ không trơn trợt, rồi các loại thuốc thang phòng hờ “biết đâu có đứa nào đau bụng”…
Hành lý của mẹ một túi xách nhỏ, trong đó chỉ có vài bộ quần áo mặc đủ chuyến đi năm ngày, nhưng một ngăn riêng chứa những món đồ mà chỉ có người già chu đáo mới nghĩ ra, mang theo. Không thiếu kim chỉ, nút áo…
Mẹ nói, hồi ông bà ngoại còn sống, giá mà mẹ có tiền để đưa ông bà đến đây. Ngắm một khung cảnh đẹp, mẹ nhớ hai bậc sinh thành đã mất. Những thương nhớ và tiếc nuối cứ vời vợi lên trong đáy mắt. Mà năm tháng xưa, nhà có giàu có gì để nghĩ đến việc đi nước ngoài.
|
Mr Brown - một blogger Singapore thường khoe hình đưa mẹ đi du lịch thế giới. Những khoảnh khắc yêu thương của mẹ con anh lan tỏa cảm xúc đẹp đẽ cho cộng đồng mạng. Hình minh họa.
|
Ngày ông bà về với đất, nơi xa nhất hai người từng đến chỉ là thị trấn bên kia dòng sông…Năm tháng mẹ mười tám đôi mươi lấy chồng làm dâu cực khổ trăm bề, rồi đầu tắt mặt tối chăm nuôi cả đàn con. Quà cho ông bà ngoại quý giá nhất là những món ăn ngon mẹ chắt chiu từ vườn rau, ao cá. Là thố cá rô kho tiêu lèn trong những lớp khăn giữ ấm băng đồng mang về cho ông bà ngoại. Khi là miếng bánh, trái cây, lon sữa được sẻ ra từ phần quà vặt mua cho các con để ông bà ngoại bồi bổ. Mẹ buôn thúng bán bưng đến tiền uống trà đá còn tiết kiệm, trong túi chỉ có bạc lẻ đong gạo chứ làm gì có bạc triệu mà nghĩ đến việc đưa ông bà ngoại đến những miền đất xa lạ.
Mẹ đứng dưới chân Vạn Lý Trường Thành, nhìn dòng người già trẻ lớn bé bước lên từng bậc thang chinh phục thắng cảnh đẹp nhất của Bắc Kinh (Trung Quốc), bà cũng nói “thôi cũng ráng leo lên được bao nhiêu thì leo”. Đôi chân của người già ngoài bảy mươi tuổi, xỏ vào đôi dép tổ ong mang theo từ Việt Nam để dễ đi bộ. Mẹ chậm rãi leo lên từng bậc thang. Có lúc cúi xuống vịn, bà gần như bò lên.
Những bậc thang của Vạn Lý Trường Thành không đều nhau, bậc thấp bậc cao leo rất mất sức. Bà leo chậm chạp nhưng không có vẻ gì là bỏ cuộc. Cuối cùng, bà cũng đến điểm dừng chân đầu tiên trên Vạn Lý Trường Thành, chưa phải là quá cao nhưng từ đó cũng có thể phóng mắt nhìn ra quang cảnh xung quanh.
|
Mẹ của các chị đã vui như trẻ thơ khi được ngắm nhìn cảnh quan Trung Hoa. Hình minh họa. |
Cả đời của mẹ, đi du lịch nước ngoài từng là một viễn tưởng, nhưng cuối cùng, các con đã đưa được mẹ đi. Nhìn niềm vui của một người già đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mới hiểu được rằng, những chuyến đi “tái tạo năng lượng” mà bao người trẻ đang tự do thong thả tận hưởng ấy, người già cũng rất cần. Thật sự rất cần - mà đôi khi con trẻ vô tình, nào có để tâm.
Về sau này, tôi nghĩ tiền cần thiết, nhưng không quan trọng bằng niềm vui, kỷ niệm mà gia đình có với nhau, những chuyến đi cùng người già ở trong nhà. Những thế hệ ông bà, cha mẹ đã bao đời nghèo khó vất vả cui cút tiết kiệm, thì đến đời con cháu dù chẳng phải giàu có dư dả gì, nhưng nếu có thể đi được thì cứ vác ba lô lên và đưa…cha mẹ đi chơi.
Tôi ngưỡng mộ khi nhìn thấy hai ông bà già đi cùng nhau. Nhưng nếu như bà không còn ông và ngược lại, thì là dịp để con cháu tri ân, báo hiếu. Những chuyến đi cho người trẻ năng lượng tinh thực tích cực thế nào thì với người già cũng như thế ấy.
|
Đến "ông trăm tuổi" vẫn có thể trèo qua cửa sổ và trốn đi du lịch (Ảnh phim Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất)
|
Định nghĩa về hạnh phúc ở từng giai đoạn sống của đời người đều thay đổi. “Có một việc gì đó để làm, có một ai đó để yêu và điều gì đó để hy vọng” có lẽ chỉ phổ quát ở những năm hai mươi. Còn khi đã bước qua những quãng nghỉ và hiểu được nông sâu của đời mình, bây giờ, hạnh phúc lớn lao nhất tôi chọn làm mục tiêu cho mình: là được đưa mẹ đi thật nhiều nơi có thể. Để bước chân của người già không chỉ dừng lại ở một Vạn Lý Trường Thành mà còn có thể thêm nhiều vùng đất khác.
Thời gian vẫn mãi còn bất tận những Xuân Hạ Thu Đông, nhưng thời gian của người già đã bắt đầu nhìn thấy được giới hạn ở những con số...
Lục Diệp