Xác tàu Titanic: Thảm kịch nổi tiếng thế giới trở thành ngành công nghiệp tỷ đô như thế nào?

23/06/2023 - 21:46

PNO - Titanic là một trong những thảm họa đại dương nổi tiếng nhất thế giới và câu chuyện về chiếc tàu này luôn có sức hút kỳ lạ.

Xác tàu Titanic dưới đáy đại dương
Xác tàu Titanic dưới đáy đại dương

111 năm trước, tàu Titanic - biểu tượng của thời đại lúc đó - đã va phải một tảng băng trôi và chìm ở độ sâu hơn 3.800m ở Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Canada. Thời điểm đó, Titanic là con tàu biển sang trọng nổi tiếng mà ai cũng khát khao được bước lên. Nhưng, nó đã gây ra thảm họa cho hơn 2.200 người và cho đến nay, Titanic vẫn được nhắc đến nhiều hơn bất kỳ thảm họa hàng hải nào khác.

Và 5 ngày qua, việc chiếc tàu lặn Titan chở 5 du khách đến thám hiểm xác tàu Titanic bị nổ tung dưới lòng đại dương lại làm sống dậy nỗi ám ảnh vốn đã tồn tại hơn 1 thế kỷ qua.

Titanic được tìm thấy khi nào?

Tàu Titanic gặp nạn khi đang trong chuyến hành trình đầu tiên từ Vương quốc Anh đến thành phố New York (Hoa Kỳ) và bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương vào rạng sáng ngày 15/4/1912. Tai nạn thảm khốc khiến 1.500 người thiệt mạng. Chỉ có hơn 700 người trên tàu sống sót.

Thợ săn xác tàu Robert Ballard, người đầu tiên tìm thấy xác tàu Titanic.
Nhà khảo cổ Robert Ballard - người đầu tiên tìm thấy xác tàu Titanic

Sau hơn 70 năm tàu bị chìm, vị trí chính xác của xác tàu vẫn chưa được biết. Mãi cho đến  ngày 1/9/1985, khi đoàn thám hiểm do nhà hải dương học và khảo cổ học dưới nước Robert Ballard cùng nhà thám hiểm người Pháp Jean-Louis Michel xác định vị trí của nó dưới đáy đại dương, cách bờ biển Newfoundland khoảng 595km.

Nhóm thám hiểm này cũng phát hiện ra rằng con tàu bị chìm đã gãy làm 2 phần, với mũi và đuôi nằm cách nhau gần 1km.

Có bao nhiêu người đã đến thăm con tàu đắm?

Theo trích dẫn số liệu thống kê từ OceanGate - đơn vị vận hành chiếc tàu Titan gặp nạn hôm 18/6 - kể từ năm 1985 đến nay có khoảng 250 người đã đến thăm xác tàu ​​​​Titanic. Đạo diễn Cameron là một trong những du khách đầu tiên.

“Tôi làm bộ phim Titanic là vì tôi muốn lặn xuống xem con tàu đắm, chứ không phải vì tôi đặc biệt muốn làm bộ phim này” - vị đạo diễn nổi tiếng nói về trải nghiệm này vào năm 2009.

James Cameron xem mô hình con tàu Titanic bị chìm ở Hamburg vào ngày 6 tháng 1 năm 1998. Ông là một trong những vị khách nổi tiếng nhất của xác tàu.
James Cameron xem mô hình tàu Titanic bị chìm 

Bộ phim Titanic đã bao quát được bước đi đầu tiên của Cameron. Khi ra mắt lần đầu vào năm 1997, bộ phim dài 194 phút đã thu về hơn 2 tỉ USD tại phòng vé, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử vào thời điểm đó.

Kể từ đó, đạo diễn Cameron đã đến thăm xác tàu Titanic thêm... 33 lần nữa.

Năm 2001, một cặp vợ chồng người Mỹ bị chỉ trích khi kết hôn trong một chiếc tàu lặn ngay tại địa điểm xảy ra vụ đắm tàu. Nhiều người cho rằng cặp đôi thiếu tôn trọng những người đã thiệt mạng. 

Săn lùng hiện vật trên tàu Titanic

Chính vì sự quan tâm của công chúng đối với các hiện vật từ tàu Titanic mà những vật lưu niệm liên quan chiếc tàu này (của người sống sót và người đã chết) - bắt đầu được tìm kiếm.

Cuộc săn lùng hiện vật của con tàu lan rộng đến mức chính quyền Canada và những người đã trục vớt thi thể nạn nhân trên biển trong những ngày sau thảm kịch, đã phải đốt quần áo của các nạn nhân để “ngăn chặn những kẻ săn lùng quà lưu niệm từ thảm họa".

Bộ đĩa ăn sáng từ tàu Titanic bị chìm được trưng bày ở New York, ngày 25 tháng 8 năm 1987, ở vị trí mà chúng được tìm thấy bởi một đoàn thám hiểm năm 1987.
Bộ dĩa ăn sáng từ tàu Titanic được trưng bày ở New York

Tuy nhiên, một số đồ vật từ chiếc tàu này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và được trưng bày trong nhiều năm. Tại Bảo tàng Hàng hải Đại Tây Dương ở Halifax, Canada vẫn trưng bày đôi giày da của một em bé 19 tháng tuổi, trong khi Hiệp hội Lịch sử tàu Titanic mua lại chiếc áo phao mà một phụ nữ trẻ trên tàu đã sử dụng. 

Sau khi phát hiện ra vị trí của Titanic vào năm 1985, sự quan tâm đến các hiện vật từ xác tàu đắm đã tăng vọt. 

Đôi giày của Sidney Leslie Goodwin được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Đại Tây Dương ở Halifax, Canada. Sidney Goodwin là một cậu bé 19 tháng tuổi người Anh đã chết trong vụ chìm tàu ​​Titanic, được gọi trong nhiều thập kỷ là “Đứa trẻ vô danh”.
"Đôi giày vô danh", sau đó được xác định là của cậu bé 19 tháng tuổi Sidney Leslie Goodwin, được trưng bày tại Canada 

Kể từ năm 1987, chỉ riêng công ty trục vớt RMS Titanic Inc. (RMST) đã tổ chức 8 cuộc thám hiểm đến địa điểm này để tìm kiếm các đồ tạo tác từ bên trong và xung quanh xác tàu. Trong hàng ngàn đồ vật được phát hiện, có nhiều chiếc dĩa sứ từ cao cấp đến trung bình cũng như nhiều túi da, quần áo và đồ trang sức.

Cho đến nay, cổ vật đắt giá nhất từ ​​con tàu gặp nạn được bán đấu giá là cây vĩ cầm do trưởng ban nhạc Wallace Hartley chơi khi các thành viên dàn nhạc của con tàu cố gắng trấn an hành khách lúc tàu chìm.

Cây vĩ cầm của thủ lĩnh ban nhạc Titanic Wallace Hartley, người mà nhiều người nói đã chơi khi con tàu chìm, được trưng bày tại Nhà đấu giá Henry Aldridge và Son ở Devizes, Wiltshire.
Cây vĩ cầm của nhạc trưởng Hartley

Nhạc cụ này có hình khắc vị hôn thê của nhạc trưởng Hartley. Cây đàn được tìm thấy 10 ngày sau vụ tàu chìm, trong một chiếc hộp được buộc vào thi thể của Hartley. Nó đã được bán với giá 1,46 triệu USD vào tháng 10/2013.

Năm 2020, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh ký một hiệp ước nhằm bảo tồn “sự nhạy cảm và tôn trọng” của địa điểm xác tàu đắm - bao gồm cả việc ngăn chặn việc thu thập các món đồ dưới đáy đại dương.

Một chiếc áo phao và áp phích từ bộ phim “Titanic” năm 1997 được trưng bày tại buổi khai mạc triển lãm “Titanic ở tuổi 100: Huyền thoại và Ký ức” vào ngày 10 tháng 4 năm 2012 tại thành phố New York.
Một chiếc áo phao và poster phim Titanic năm 1997 được trưng bày tại buổi khai mạc triển lãm ở New York năm 2012

Tại sao có quá nhiều phim, sách, triển lãm... về Titanic?

Nhà sử học Don Lynch của Hiệp hội Lịch sử Titanic đã gọi Titanic là "câu chuyện không hồi kết". Bởi sau thảm họa đó, có rất nhiều bộ phim, sách, tranh ảnh, bài hát... ra đời từ trí tưởng tượng của con người. Và đến nay, con tàu và những người đã chết cùng với nó tiếp tục truyền cảm hứng cho sự phát triển của thơ ca, sách và nghệ thuật thị giác. 

Thảo Nguyễn (theo New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI