'Xác sống' trong gia đình

18/11/2017 - 12:00

PNO - “Bỏ chồng”, “bị chồng bỏ” có lẽ là những từ ngữ có sức ám ảnh rất lớn với người đàn bà. Họ chấp nhận để đời mình mòn đi trong từng ngày sống, chứ nhất định không chịu buông nhau.

Chị bảo, cuộc sống không trao cho mình những gì hằng mong, nên đành vui vầy, chấp nhận những gì có được. Âu cũng là số phận. Giọng chị đều đều, buồn như có nước mắt trong từng câu thốt ra. Ngày ấy, chị bám vào anh như đang trôi trên biển thì va phải phao. Khi đang nhấn chìm mình vì người đàn ông kia mang thương nhớ ra đi, chị tin nếu anh không xuất hiện, có lẽ chị đã tự hủy hoại đời mình.

Anh đến, như món quà của số phận, bập vào đời chị. Khi chị vu vơ hỏi “mình cưới nhau đi”, anh nhanh chóng ủng hộ lời đề nghị ấy. Chị lấy chồng, mắt vẫn hun hút buồn. Chị thường nói đùa, ngày cưới năm ấy đã giấu vui đi, không cười.

'Xac song' trong gia dinh
 

Chị giấu niềm vui gần hết chiều dài cuộc đời. Sau vài tháng kết hôn, anh đã hiểu lý do chị nhanh chóng lấy chồng. Anh cũng chẳng vui gì, khi gặp người quen của chị, lại có cảm giác họ nhìn mình đầy thông cảm. Khi anh bắt đầu mỏi mệt thì chị có thai. Những đứa con ra đời cuốn chặt đời anh chị vào nhau. Họ hờ hững đi qua đời nhau.

Anh không trả lời được tại sao lần đầu nhìn thấy chị tiều tụy, xanh xao, cái máu yên hùng trong anh trào lên mãnh liệt, khát khao vỗ về người phụ nữ ấy. Chị, lúc ấy, chỉ cần vớ lấy được một mảnh gỗ thôi, cũng sẽ níu chặt. Nên với chị, hơn 20 năm sau, lòng vẫn nhạt. Còn anh, đã trở thành người đàn ông khác. Bỏ nhau thì không, cả hai vin vào những đứa con khi nghĩ đến điều ấy. Nhưng tổ chức lại đời nhau, sưởi ấm nhau, họ cũng không muốn làm. Ngày tiếp ngày, họ bạc dần trong nhau.

Chị đến tuổi không còn muốn nói một lời nhẹ nhàng. Cũng lâu rồi, anh không buồn nói với chị một lời ân cần. Nhưng họ vẫn tiếp tục làm tròn hình ảnh một mái ấm bằng phẳng, cố tình tiêu diệt tất cả cảm xúc của mình. 

2. Từng say nắng bạn học cũ thời đại học sau khi tình cờ gặp lại, Lương An lại xem đó như lầm lỡ lớn nhất của cuộc đời. Năm năm trước, Tuấn - chồng An được điều về An Giang phụ trách kinh doanh khu vực ấy, vài ba tuần Tuấn mới về nhà một lần. Cuối tháng anh mới chuyển cho An đúng 8 triệu đồng sinh hoạt phí cho ba mẹ con.

An cứ đằng đẵng, loay hoay với cảnh sống một mình ôm con: con bệnh cũng mình An đưa đi bệnh viện; con đi thi đá bóng, người cổ vũ cũng chỉ có mẹ. Có lần mẹ An hỏi, “con có cần chồng mình bên cạnh những lúc khó khăn không?”, An đáp nhẹ: “Không mẹ ơi, cái gì con cũng tự mình làm được hết mà”. Nhưng lòng dạ đàn bà luôn có một khoảng chênh chao khó nói. Khoảng chênh chao ấy không phải cần người cùng mình đi qua khó khăn, không phải mong có người đưa con mình đi thi đá bóng, mà mong có người hỏi “An ơi, sáng nay có gì vui không?”.

'Xac song' trong gia dinh
Ảnh minh họa

Câu hỏi ấy, có người nhắn khi An đưa con đi tập bóng và gặp lại bạn trong sân bóng ấy. Hai người nói cười nhắc nhớ chuyện xưa, con trai An cũng vui khi mẹ gặp lại người bạn mê đá bóng như mình. Chẳng hiểu sao cả hai nhanh chóng phải lòng nhau. An biết, những thiếu thốn nào đó trong lòng thôi thúc mình dựa vào bờ vai ấy thật nhanh. An nói câu nào, bạn ấy cũng hiểu ngay. Lúc đang bận rối nùi, tự nhiên bạn ấy hỏi “An có vui không?”; lúc cô đơn phát chết, có người gọi, hỏi “An có muốn uống một bình trà ô long dưới giàn hoa giấy không?”. 

Tuấn về nhà giữa tuần khi có cuộc họp đột xuất, nhà khóa trái cửa im ỉm, gọi thì An không nghe máy. Quen với cảm giác có người luôn chờ mình khi về nhà, có người hình như biết được chồng đang đứng chờ mà vội vàng mở cửa, nay im ắng quá, Tuấn khó chịu. Khi thấy An bịn rịn bên đường chia tay người đàn ông lạ, Tuấn lao đến, đạp ngã người đàn ông còn ngồi trên xe máy, đấm đá An túi bụi, gào thét kinh hoàng cả con đường.

Mối tình kia chấm dứt. Số điện thoại thân quen không còn hoạt động. An quỳ xuống xin chồng tha thứ. Tuấn tỉnh rụi “có gì đâu mà tha thứ, cứ bình tĩnh mà sống đi”. Sau câu nói nhẹ bẫng ấy của chồng, An tự đóng gông đời mình. Tuấn nói, bán nhà đi, dọn về sống chung với ba mẹ Tuấn, cho “có người quản lý mấy người ưa lăng nhăng”, An lặng lẽ đồng ý bán nhà. Giờ Tuấn muốn đi đâu, làm gì An cũng không dám mở miệng vặn vẹo, vì sợ Tuấn bươi móc chuyện cũ. Càng mỉa mai vợ, Tuấn càng ra sức làm những chuyện khiến An ấm ức.

Chuyển về lại thành phố, làm gần nhà nhưng vài ba hôm Tuấn mới về, lần nào cũng cạnh khóe “không có chồng ở nhà, có tâm sự với… ai kia không?”. Tuấn công khai có người phụ nữ khác bên ngoài, “cho biết mùi đời”, như lời anh nói với An. Chuyện nhà vốn đã nguội giờ càng thêm nguội.

'Xac song' trong gia dinh
Ảnh minh họa

Năm năm rồi An chưa tha thứ cho mình. Mẹ An năn nỉ con gái ly dị đi, về nhà để được sống cho ra một con người. Nhưng lần nào An cũng nói, “thà chết chứ không thể bị chồng bỏ”. An biết ơn vì ngày xưa Tuấn không làm lớn chuyện để con cái phải xấu hổ vì mẹ, để An không mặc cảm với con mình. Nên dù Tuấn có tệ thế nào, An cũng lăn vào mà sống cùng chồng, cho qua hết những tháng năm mòn mỏi.

3. Bạn là một người phụ nữ giỏi, theo quan niệm thông thường của xã hội. Chưa 40 tuổi, bạn đã có gần mười căn nhà. Bạn một mình ngược xuôi làm kinh tế, bay đi bay lại ký kết hợp đồng, tìm kiếm đối tác. Nhưng nhắc về chồng, mắt bạn cụp xuống, “anh ấy bận đi… đá gà”.

Biết làm sao được, ông trời có vẻ sắp xếp rất công bằng cho cuộc sống mỗi người, cho cả cách phân chia công việc. Bạn cứ cật lực kiếm tiền, anh chồng cứ ung dung tiêu xài tiền vợ làm ra, thong thả vui chơi với niềm đam mê cá cược. Con cái đi học thì thuê người đưa đón. Bạn càng bận rộn, anh càng thong dong. “Anh ấy nhìn gà nhiều hơn nhìn vợ”, bạn hay nói vậy những  lúc bạn bè ngồi với nhau.

Bạn nhìn cuộc sống của mình trôi đi, quen thuộc đến nhàm chán, mòn mỏi, trống trải, rồi thấy nó bình thường. Bạn chưa bao giờ xếp hai từ “bỏ chồng” vào tự điển của mình, bạn sợ xã hội phán xét. Nhưng bạn không thể tôn trọng chồng, nên “cứ vậy mà sống, nghĩ tới nghĩ lui làm gì, miễn nhà còn lành lặn”.

***

“Bỏ chồng”, “bị chồng bỏ” có lẽ là những từ ngữ có sức ám ảnh rất lớn với người đàn bà. Họ chấp nhận để đời mình mòn đi trong từng ngày sống, chứ nhất định không chịu buông nhau. Hỏi nhau “làm thế nào để mỗi người đàn bà nhận thức rằng mình đáng được nâng niu, quý trọng”, nhưng chính đàn bà lại ngó lơ, như không hiểu rằng, thiếu sự yêu quý, nghĩa tình dành cho nhau, hôn nhân chỉ còn cái vỏ. Cúi đầu chấp nhận một cuộc đời mòn, đàn bà đã biến mình thành “xác sống”. 

 Đoàn Tâm

Chuyên đề: “Sống mòn trong hôn nhân”

Đàn bà, chẳng hiểu từ khi nào, cứ trì níu mình xuống, mặc xung quanh ai nói ngả nói nghiêng. Với họ, giá trị bản thân được đồng nhất với bổn phận, trách nhiệm. Họ thường cố tình lờ đi nỗi buồn, niềm vui, tự hòa lẫn mình vào hôn nhân và cho đấy là bình yên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI