Xác nhận kỷ lục là tôn vinh hay đổi chác?

14/07/2023 - 06:12

PNO - Càng ngày, những kỷ lục được lập và xác nhận càng dễ dãi theo các tiêu chí xét chọn đầu tiên, dài nhất, to nhất, nặng nhất…

 

Chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” lập kỷ lục chiếc áo dài nhất Việt Nam
Chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” lập kỷ lục chiếc áo dài nhất Việt Nam vào cuối tháng 5/2023

Trong suốt 19 năm hoạt động, Công ty cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings - tên gọi ban đầu là Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks), được thành lập vào năm 2004 - đã xác lập khoảng 3.500 kỷ lục Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực, trên khắp cả nước, đồng thời cũng đề cử xác lập thành công 79 kỷ lục thế giới, 92 kỷ lục châu Á và 12 kỷ lục Đông Dương. Đó là những con số và thành quả không nhỏ, góp phần tôn vinh những giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam.

Theo một số từ điển thì “kỷ lục” là thành tích được chính thức thừa nhận là cao nhất trong thi đấu thể thao (như lập kỷ lục thế giới về nhảy xa). Khái niệm “kỷ lục” sau này được mở rộng, dành cho mọi lĩnh vực. 
Từng có nhiều kỷ lục Việt Nam dành cho những thành tựu đặc biệt, những cá nhân xuất sắc, những giá trị vượt trội, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng, càng ngày, những kỷ lục được lập và xác nhận càng dễ dãi theo các tiêu chí xét chọn đầu tiên, dài nhất, to nhất, nặng nhất… Xác lập và xác nhận chiếc bánh to nhất, tô hủ tíu to nhất, chiếc áo dài nặng nhất hay dài nhất, bộ cửa lùa nhôm kính lớn nhất… để làm gì, có ý nghĩa gì?

Nhiều kỷ lục được xác nhận cho các công ty nhằm để quảng bá thương hiệu chứ không nhằm phổ biến hay tôn vinh giá trị văn hóa. Nhìn vào danh sách kỷ lục Việt Nam được xác lập gần đây, có thể thấy nhan nhản kỷ lục loại này: một thương hiệu điện thoại xác lập kỷ lục với logo ghép từ 1.300 bức ảnh chân dung chụp bằng điện thoại; một tập đoàn kinh tế xác lập kỷ lục với hành trình xuyên Việt nhân dịp 30 năm thành lập; một nhà máy gạch xác lập kỷ lục với “tính hiện đại và đồng bộ”; một trung tâm nhân sâm Hoa Kỳ đến Việt Nam kinh doanh cũng được trao bằng kỷ lục Việt Nam…

Còn nhớ, thuở ban đầu của VietKings, các kỷ lục được xác lập từ sự tìm kiếm, xét duyệt kỹ lưỡng, tôn vinh đúng giá trị. Các kỷ lục Việt Nam thời ấy luôn mang đến sự bất ngờ, cảm phục và tự hào cho cộng đồng. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều kỷ lục được công bố khiến công chúng ngán ngẩm, chưng hửng. Rất nhiều kỷ lục vô nghĩa, tào lao, được xác lập nhập nhằng giữa giá trị văn hóa và giá trị kinh tế, lợi ích. Chúng vô tình đánh đồng những giá trị xứng đáng được tôn vinh của cá nhân, vùng đất với những thứ “kỷ lục” được xác nhận cho có tên, nhằm mục đích mua danh, quảng bá thương hiệu. 

Kỷ lục Việt Nam phải chăng đang dần trở thành thương vụ kinh doanh để đổi chác giữa một bên cần tiền, một bên cần quảng bá thương hiệu, để giúp nhà tổ chức thu lợi nhuận dễ dàng từ sự háo danh của một số cá nhân, đơn vị? Trên trang kyluc.vn, mức phí nộp hồ sơ xin xác lập kỷ lục được niêm yết rất chi tiết, từ 10 triệu đến vài mươi triệu đồng. 

Không phủ nhận những điều mà VietKings đã và đang làm được, như câu khẩu hiệu (slogan) của VietKings “Đưa tinh hoa Việt Nam ra thế giới - Mang tinh hoa thế giới về Việt Nam”. Nhưng, VietKings có đang thương mại hóa kỷ lục Việt Nam hay không là câu hỏi cần hội đồng xác lập, hội đồng phát triển của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam suy nghĩ và trả lời. Các hội đồng được giới thiệu trên trang kyluc.vn gồm “120 vị là những nhà khoa học, nhà sử học, nhà báo, các chuyên gia, diễn giả…”. 

Là những nhà trí thức, những người làm văn hóa, rất mong các vị này nhận ra được điều đang khiến công chúng phì cười, ngán ngẩm hoặc thờ ơ khi nghe công bố những kỷ lục Việt Nam hiện nay? Kỷ lục mà chỉ cần nộp phí là dễ dàng được xác nhận thì còn có ý nghĩa, giá trị gì? 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI