Xác minh thuốc giả tại “chợ thuốc” lớn nhất Hà Nội

06/04/2023 - 09:39

PNO - Cục Quản lý dược đề nghị xác minh 2 loại thuốc tra mắt và điều trị ung thư giả, nghi giả tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra một quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico (ảnh minh họa)

Lực lượng chức năng kiểm tra một quầy thuốc tại "chợ thuốc" Hapulico (ảnh minh họa)

Cục Quản lý dược vừa có công văn về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý Dược tiếp tục nhận được được một số thông tin liên quan đến thuốc giả, nghi ngờ giả từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam; Công ty TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Les Laboratoires Servier tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte., Ltd.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn và sức khỏe cho người bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội triển khai thông báo thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.

“Đặc biệt tập trung xác minh một số thuốc giả, nghi ngờ giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng tại Trung tâm bán buôn thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và thuốc mua tại nhà thuốc để sử dụng trong Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương”, công văn nêu rõ.

Cụ thể, các loại thuốc được Cục Quản lý dược đề cập gồm 2 loại thuốc. Thứ nhất là TobraDex, hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml (ghi nhãn số lô: 22C10HB, ngày hết hạn/EXP: 10/03/2024, ngày sản xuất/ MFD: 10/03/2022; số lô: 22B16LA, ngày hết hạn/EXP: 16/02/2024, ngày sản xuất/ MFD: 16/02/2022). Đây là thuốc dùng để điều trị cho tình trạng viêm mắt, nhiễm khuẩn ở mắt...

Thứ hai là thuốc thuốc Adcetris 50mg (ghi nhãn số đăng ký: 1-647-15, Public Price: 13071.30 SR). Đây là một thuốc chống ung thư, được tạo thành từ một kháng thể đơn dòng liên kết với một chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng cần chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc.

Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Thông tin truyền thông tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan...

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI