Xác định thủ phạm đốt rừng Indonesia

23/06/2013 - 17:12

PNO - Ngày 22/6, chính quyền Indonesia và Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cáo buộc tám công ty sản xuất dầu cọ của Indonesia, Malaysia và Singapore để xảy ra cháy rừng, gây ô nhiễm không khí các thành phố lân cận, đặc biệt với...

Xac dinh thu pham dot rung Indonesia

Tình nguyện viên phân phát khẩu trang và tờ rơi khuyến cáo tự bảo vệ sức khỏe trước khói bụi cho người dân ở Muar, bang Johor (Malaysia), giáp giới Singapore, ngày 21/6. Hãng tin Reuters cho biết không khí ô nhiễm cũng đang lan rộng ở Malaysia. Chất lượng không khí ở thủ đô Kuala Lumpur và các vùng lân cận đã giảm xuống mức “có hại cho sức khỏe” - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Greenpeace cho biết dữ liệu của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy các đám cháy rừng ở tỉnh Riau đều xảy ra trên diện tích đất mà các công ty này thuê mướn. Trước đó, chính quyền Jakarta xác định hai công ty phải chịu trách nhiệm chính là PT Sinar Mas Agro Resources & Technology (SMART, có trụ sở ở Jakarta) và Asia Pacific Resources International (APRIL). Công ty mẹ của SMART là Golden Agri Resources có trụ sở ở Singapore.

Viện Tài nguyên quốc tế (WRI) cũng phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh và xác định các vụ cháy rừng xảy ra trên diện tích đất do Công ty Provident Agro của Indonesia và Công ty First Resources của Singapore thuê. Ngoài ra còn phải kể đến Tập đoàn Asia Pulp & Paper (APP), nhà sản xuất giấy lớn thứ ba thế giới. APP xác nhận có bảy điểm trong diện tích 200ha đất của mình xảy ra cháy rừng.

Chính quyền Jakarta khẳng định sẽ trừng phạt nghiêm khắc các công ty để xảy ra cháy rừng. Theo Reuters, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam khẳng định các công ty Singapore để xảy ra cháy rừng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Greenpeace cáo buộc các công ty này cố tình đốt phá rừng để có diện tích trồng dầu cọ.

Báo Jakarta Post cho biết Chính phủ Indonesia đã cam kết chi 20 triệu USD để dập lửa. Hôm qua, nhà chức trách đã triển khai bảy máy bay quân sự tới thả bom nước và tạo mưa trên bầu trời Sumatra. Cùng ngày, chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore vẫn đứng ở mức “độc hại” 323 dù có giảm so với mức kỷ lục 401 hôm 21/6.

Xac dinh thu pham dot rung Indonesia

Nhóm nhân viên văn phòng che kín mũi miệng như biện pháp tự bảo vệ sức khỏe trong khói mù dày đặc từ Indonesia (ảnh AP)

Cuộc sống đảo lộn  

Hiện tại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc... ở Singapore đều “cháy” hàng khẩu trang. Theo báo Straits Times, từ hôm nay (23/6) chính quyền Singapore cung cấp miễn phí 1 triệu khẩu trang cho 20.000 hộ gia đình. Bộ Giáo dục đề nghị các trường học hủy bỏ mọi hoạt động ngoài trời. Khi đi ra ngoài, người dân được khuyến cáo phải mang theo dù vì sợ mưa có thể làm hại da.

Người Việt sinh sống tại Singapore có cách nhìn nhận khác nhau về chuyện ảnh hưởng của khói bụi. Theo lời chị Nguyễn Nguyên Kim - sinh sống ở Singapore đã bốn năm, tình trạng ô nhiễm những ngày qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình chị. Trời nóng, ngột ngạt, bụi khói ngoài đường lan vào cả trong nhà. Dù ở trong nhà, đóng tất cả cửa, mở máy lạnh 24/24 giờ mà mắt vẫn cay sè, phải hút bụi ngày bốn lần. Con trai 2 tuổi của chị Kim bị ho và khát nước liên tục. Còn chồng chị bị khó chịu đến mức chảy máu cam.

Nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, anh Phạm Duy Đông, sống ở Singapore năm năm, cho biết thực tế tình hình hiện nay không đến nỗi quá tồi tệ. Hôm qua bầu trời Singapore đã hửng sáng hơn, mùi khét trong không khí không quá nghiêm trọng. Người dân thành phố, trong đó có gia đình anh, vẫn đi làm và sinh hoạt như bình thường. Anh Đông cho biết các công ty Singapore phát khẩu trang miễn phí cho nhân viên. Bệnh viện Mount Elizabeth Novena ở trung tâm thành phố cũng phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân. “Cá nhân tôi không thấy có vấn đề gì lớn, có lẽ do dân Việt Nam mình quen chịu đựng hơn người Singapore” - anh Đông nhìn nhận.

Chị Jessie Thanh Đào, người gốc Việt làm việc cho Tổng cục Du lịch Singapore (STB), cho biết gia đình chị không đeo khẩu trang khi ra đường vì Bộ Y tế chưa ra khuyến cáo đặc biệt. Các hoạt động du lịch của STB diễn ra bình thường. Chỉ có chương trình biểu diễn nhạc nước ngoài trời ở đảo Sentosa bị hủy do không khí âm u làm ảnh hưởng tới chất lượng biểu diễn. Dù vậy, Hãng tư vấn CLSA ước tính thành phố du lịch và tài chính Singapore có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD.

Theo SƠN HÀ - BÍCH DẬU  (Tuổi Trẻ Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI