Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động

27/10/2021 - 06:14

PNO - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ hai, sáng 26/10, Quốc hội (QH) đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH khẳng định, việc ban hành luật này là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (tỉnh Kon Tum) cho rằng, Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ để khắc phục. Ông đề nghị ban soạn thảo xem xét thêm về việc xác định vị trí, chức năng của CSCĐ được nêu trong điều 3 của dự thảo luật. Theo điều 3, CSCĐ là lực lượng nòng cốt, thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở mọi địa bàn. Quy định này dẫn tới sự chồng lấn vị trí, chức năng với một số lực lượng khác đã được luật quy định như lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng biên phòng Việt Nam… Ông kiến nghị làm rõ tính đặc thù, khác biệt của lực lượng CSCĐ với các lực lượng khác của công an và quân đội. 

Đây cũng là lực lượng đang đảm nhiệm chính công tác bảo vệ các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
CSCĐ đang đảm nhiệm chính công tác bảo vệ các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, điều 3 dự thảo luật gần như trùng lắp với quy định về công an nhân dân, chưa làm rõ, làm nổi bật tính đặc thù của CSCĐ. Trong khi đó, việc xác định đúng vị trí, địa vị pháp lý, tính khác biệt của CSCĐ có ý nghĩa rất quan trọng, chi phối, dẫn dắt toàn bộ nội dung dự thảo luật. Do đó, cần xem xét thấu đáo để thiết kế lại nội dung điều luật này, đáp ứng yêu cầu, làm nổi bật tính đặc thù, riêng biệt, bảo đảm không xung đột, mâu thuẫn với các lực lượng khác đã được pháp luật quy định.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật CSCĐ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ và các nội dung khác như huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế…tránh chồng chéo với các lực lượng khác.

Dự thảo luật nêu bảy nhóm nhiệm vụ của CSCĐ, gồm chủ trì và phối hợp. Do trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ tác chiến theo đội hình với nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật nên việc quy định đầy đủ các nhiệm vụ của CSCĐ sẽ được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên sự góp ý của các ĐBQH.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI