Trong suốt lịch sử thời trang, vẻ ngoài sang trọng thường đi đôi với sự khoa trương qua kiểu dáng, hình thức. Khi các thương hiệu cao cấp ra đời, định hình ngành thời trang, tuyên ngôn giàu có ấy được thể hiện qua các logo, họa tiết đặc trưng của mỗi thương hiệu. Nó như một lời khẳng định ngầm về độ giàu có và chịu chi của người sở hữu.
|
Đầu tư vào những món đồ thiết yếu, chất lượng cao, khó lỗi mốt chính là chìa khóa để xây dựng một tủ quần áo bền vững |
Trái ngược hoàn toàn với xu hướng này, vẫn có những thương hiệu cất lời thì thầm (không logo) nhưng lại toát ra sự uy quyền mỗi khi chúng được khoác lên người. Đơn giản vì chất lượng, sự trường tồn với thời gian của di sản thương hiệu, độ tinh xảo và vì giá của chúng chẳng hề rẻ. Chúng hướng đến kiểu trang phục nhã nhặn, may vừa vặn, màu trung tính và làm từ chất liệu cao cấp hàng đầu.
Quiet luxury (tạm dịch: xa xỉ thầm lặng) trở thành một trong những trào lưu thời trang khó diễn tả chính xác nhất của năm 2023. Tạp chí Vogue mô tả xu hướng này đem lại cảm giác mềm mại, sự dễ chịu. Nó không khắc khổ như minimalism (phong cách tối giản), nhưng bóng bẩy hơn so với normcore (kiểu ăn mặc bình thường, khiêm tốn).
Vì sao trở thành xu hướng?
Từ đầu năm 2023 đến nay, từ khóa “quiet luxury” đã tăng tới 1.230% độ phổ biến so với tháng 12/2022. Việc mức độ quan tâm tăng đột biến như vậy khiến giới mộ điệu xôn xao, các trang thông tin về thời trang cũng liên tục đưa tin về khái niệm này.
Trên thực tế, xa xỉ thầm lặng không phải một xu hướng nhưng nếu hỏi nó có đang thịnh hành hay không thì câu trả lời chắc chắn là có. Điều khiến “quiet luxury” trở nên hấp dẫn bắt nguồn từ sự sang trọng, kín đáo một cách tinh tế. Vogue nhận xét: “Nó không đến mức như chủ nghĩa tối giản nhưng lại được phủ một lớp bóng bẩy kỳ diệu hơn hẳn các trang phục bình thường”.
Trong lịch sử, xa xỉ thầm lặng từng xuất hiện và mất đi, lặp lại nhiều lần như thế kể từ thế kỷ XVIII tại Pháp, thế kỷ XIX tại Mỹ cho đến nay. Do đó, sự “tái xuất” của quiet luxury, trước hết nằm trong chu kỳ thời trang. Về bản chất, “quiet luxury” không hẳn là một xu hướng mà là phong cách ăn mặc của giới thượng lưu. Đó có thể là trang phục xa xỉ đến từ một nhà mốt cao cấp không vận dụng logo, như Hermès, Tom Ford, The Row hay Akris. Nhưng đó cũng có thể là trang phục được may đo riêng cho người mặc, không chạy theo xu hướng ngắn hạn.
|
Một số mẫu túi sang trọng, thanh lịch đáng để đầu tư |
Những người theo đuổi trường phái quiet luxury không chưng diện để người ngoài bàn tán. Nói cách khác, đó là cách họ làm bản thân hài lòng và dễ chịu; chỉ những ai lưu tâm đến thời trang mới nhận ra các thương hiệu đắt tiền mà họ đang mặc. Martin Pedraza - Giám đốc điều hành The Luxury Institute, một công ty nghiên cứu, tư vấn và đào tạo nhân viên - khẳng định “quiet luxury” là mật mã lâu đời của giới siêu giàu. Họ ưa thích những thương hiệu tinh tế hơn và giờ đây điều họ thích đang trở nên nổi bật nhờ văn hóa đại chúng, qua sách báo và phim ảnh, điển hình là bộ phim truyền hình Succession (Kế nghiệp) đình đám trên đài HBO.
Một lý do quan trọng hơn khiến quiet luxury được chú ý là sự mệt mỏi kéo dài sau thời kỳ dịch bệnh với những rủi ro tiềm tàng và ảnh hưởng nghiêm trọng của sự suy thoái kinh tế. Điều này khác hẳn với giai đoạn ngay sau COVID-19, mọi thứ đầy phấn khích, lạc quan và hy vọng, do đó, phục trang thường đầy màu sắc tươi sáng, họa tiết vui tươi. Chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và vô vàn thảm họa khiến người ta buộc phải suy nghĩ về tương lai và nhận thấy sự phô trương giàu có dần trở nên kệnh cỡm. Họ tìm kiếm những sản phẩm đơn giản, mang lại cảm giác an toàn, thoải mái, dễ chịu hơn.
Heather Kaminetsky - Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Mytheresa - nói: “Thời trang là tấm gương phản chiếu tình hình kinh tế. Đã từng có lúc trên thế giới mọi thứ thật tuyệt vời và mọi người đều muốn khoe khoang nhưng hiện tại tất cả đều ngần ngại, có đôi chút không chắc chắn”.
|
Đó cũng có thể là trang phục được may đo riêng cho người mặc, không chạy theo xu hướng ngắn hạn |
Lorna Hall - Giám đốc bộ phận về thời trang tại công ty dự báo xu hướng WGSN - đồng ý: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đòi hỏi cách mặc đồ tối giản hơn vì nguồn thu nhập đang dần bị thu hẹp. Tất thảy báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn, sự chú trọng tính bền vững và tiêu dùng có ý thức cũng như mối quan ngại về tương lai công việc”.
Thương hiệu dịch chuyển
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quiet luxury thống trị giới thời trang. Chúng từng đứng đầu đường đua xu hướng vào năm 2008 khi cuộc đại suy thoái diễn ra. Điều khác biệt là, nếu như trước đây, chúng chỉ phổ biến trong giới siêu giàu thì giờ đây, chúng đã lan rộng đến nhiều tầng lớp khách hàng khác. Ngay cả những người tiêu dùng có ngân sách hạn hẹp vẫn có thể tìm thấy các sản phẩm tối giản sang trọng với giá cả phù hợp. Điều này có nghĩa, mặc bền vững, sang trọng và tinh tế không còn quá khó.
Sam Lobban - Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc kinh doanh Nordstrom - cho biết các thương hiệu bán những mặt hàng sang trọng như áo len cashmere, suit, áo sơ mi cổ điển với mức giá thấp đang được chú ý nhiều hơn. Một chiếc áo len cashmere của Vince sẽ dao động khoảng 400 USD trong khi chiếc tương tự của Brunello Cucinelli có thể có giá từ 1.000 đến 2.300 USD.
Banana Republic lên kế hoạch tái thiết công ty vào năm 2021, bắt đầu tập trung thiết kế vào các loại vải như linen, da và cashmere với tông màu trung tính nhằm tạo nên những sản phẩm kinh điển. Jemma Cassidy - đứng đầu bộ phận kinh doanh của Banana Republic - cho biết: “Chúng tôi vô cùng may mắn khi được định vị tốt cho xu hướng “quiet luxury” này”. The Row của chị em nhà Olsen, Khaite hay Jil Sander… đều là những cái tên quen thuộc của quiet luxury.
Tất nhiên, những thương hiệu xa xỉ cũng không chịu ngồi im. Jean-Jacques Guiony - Giám đốc tài chính của tập đoàn LVMH - bày tỏ niềm tin rằng, đa số người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các sản phẩm có logo. Mặc dù vậy, LVMH từ lâu đã cung cấp nhiều lựa chọn “kín đáo” hơn cho khách hàng. Không riêng LVMH, các nhà mốt như Brunello Cucinelli, Hermès và Armani vẫn sống tốt suốt 2 thập niên qua nhờ kinh doanh đồ xa xỉ theo xu hướng “thầm lặng”.
Theo Data But Make It Fashion, sau khi phân tích hàng ngàn thiết kế thuộc các bộ sưu tập ra mắt năm 2023, logo vẫn ở mọi nơi: 60% trong những thiết kế của Miu Miu, 42% trong các bộ sưu tập của Fendi và khoảng 30% trong các bộ sưu tập của Chanel. Do vậy, “xa xỉ thầm lặng” có thể được yêu thích, đồng hành nhưng thời kỳ của logomania sẽ không bao giờ chấm dứt.
Thực tế, có rất nhiều nhân vật không phải là tín đồ thời trang đã vô tình lăng xê cho phong cách này. Steve Jobs nổi tiếng với chiếc áo cổ lọ Issey Miyake giá 175 USD, Mark Zuckerberg thì không bao giờ rời xa chiếc áo thun 200 USD. Giúp người tiêu dùng mua ít quần áo hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi “quẹt thẻ”, coi trọng chất lượng và thời gian sử dụng là sứ mệnh quiet luxury đang thực hiện.
Ở ý nghĩa này, quiet luxury càng xứng đáng được chào đón bởi chúng tôn vinh giá trị thực sự của thời trang, cũng như hướng đến mục tiêu bền vững - điều mà ngành thời trang toàn cầu đang tích cực dịch chuyển. Ăn mặc giờ đây còn đi kèm với trách nhiệm và nhận thức, cam kết đồng hành với môi trường.
Thư Hiên