PNO - PNO - Đã nhiều năm, cả nhà tổ chức lẫn công chúng Việt luôn chờ đợi thực hiện thành công một ngày hội âm nhạc theo mô hình woodstock, như cách chúng ta đã mơ giấc mơ "Oscar Việt", "Grammy Việt", "Billboard Việt" và nhiều thứ Việt khác...
Đơn điệu đều
Một woodstock vẫn chưa thành hình
Đã không có chương trình giao lưu sinh hoạt cộng đồng nào diễn ra trong thời gian từ 16g - 20g như kế hoạch đã được thông báo của Ban tổ chức. Thời điểm 16g, ngày 31/3, chỉ lác đác một số ít người tìm đến sân khấu Công viên Hồ bán Nguyệt. Có lẽ cái nắng, cái nóng của Sài Gòn đầu mùa khô đã ngăn cản bước chân bạn yêu nhạc nên phải đến hơn 17g người ta mới cảm nhận được một chút không khí của đêm nhạc sắp đến.
Hơn ngàn người đã có mặt trước sân khấu, tranh thủ trải áo mưa "xí chỗ". Cũng có khu ẩm thực với một số món ăn nhẹ, cũng có vài gian hàng bán sách, đĩa về Trịnh nhưng cũng khá vắng người mua. Cuộc thi hát karaoke tổ chức cạnh sân khấu trông giống như buổi giới thiệu sản phẩm của nhà tài trợ ở các kỳ hội chợ hơn là một cuộc thi thực sự. Người ta cứ thế tụ tập, tán chuyện, ăn uống, vài nhóm hát hò tự phát trong khi trên sân khấu chỉ có dàn loa công suất lớn phát đi phát lại các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khu vực dành riêng cho gia đình cố nhạc sĩ, được trải chiếu cói ngay trước sân khấu, hoàn toàn thưa vắng...
Sách, băng đĩa nhạc Trịnh thu hút chủ yếu người đến... xem
Hơn 20g, chương trình chính thức bắt đầu với những lời dẫn thường nghe ở hầu khắp các đêm nhạc Trịnh, bài phát biểu cảm ơn đến từng cá nhân của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và MTV, Ngọc Mai, Đức Tuấn, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh thay phiên nhau lên hát Trịnh. Tất nhiên không thể thiếu tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và... dường như chỉ có thế. Lam vẫn biểu diễn kỹ thuật. Nhung vẫn hát như thường khi. Linh hết sức tập trung cho việc... nhớ lời ca khúc. Hệ thống âm thanh trục trặc qua nhiều tiết mục khiến cho phần biểu diễn của các nghệ sĩ cứ như đứt quãng khi chốc chốc lại không thể nghe được họ hát gì.
Sân khấu được thiết kế theo "phong cách tối giản" như cách khán giả vẫn thường được nghe về "sự giản dị của Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông" với một màn hình ngang làm nhiệm vụ thể hiện tên ca khúc đang được trình bày và một màn hình đứng để chiếu clip minh hoạ cộng những đoạn phát biểu, hình ảnh của Trịnh thuở sinh thời - những phát biểu, hình ảnh mà hầu như những ai yêu mến Trịnh, thường xuyên tham gia các chương trình nhạc Trịnh đều đã có dịp xem qua. Những làn khói màu chốc chốc lại phun ra từ cánh trái sân khấu không mang ý nghĩa gì đặc biệt. Thật khó tin rằng đó là tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, dưới bàn tay đạo diễn của Nguyễn Quang Dũng.
Woodstock Việt? Còn xa!
Khu ẩm thực để khán giả nghỉ ngơi trong lúc... chờ chương trình chính
Trước đêm nhạc của Bob Dylan (kết hợp chương trình nhạc Trịnh) cũng tại Phú Mỹ Hưng năm 2011, người ta cũng nói về woodstock - về một ngày hội âm nhạc hoà với thiên nhiên kéo dài nhiều giờ liền. Trong đêm nhạc ấy, tuy đã có vài ý kiến cho rằng nhạc Trịnh đã không được đối xử tương xứng - chỉ giống như làm nền cho Bob Dylan khi các ca sĩ đã hát suốt buổi chiều, trước chương trình chính thức của Bob. Song chí ít thì từ cách tổ chức đến diễn biến thực tế của đêm nhạc Bob Dylan vẫn giống woodstock hơn khi rất nhiều ghế ngồi, đệm đã được phát ra và khán giả đến sớm có thể vừa ngồi hàn huyên, uống bia, nghe Uyên Linh, Đức Tuấn... thay vì nghe nhạc máy. Ở chương trình của Bob, âm thanh, ánh sáng đều có chất lượng tốt hơn.
Tiết mục ngẫu hứng của Trần Mạnh Tuấn và chàng nghệ sĩ Hàn Quốc
Nếu đối chiếu với các chương trình của giới chơi rock Việt Nam từng thực hiện như Đêm hội rock III tại sân vận động Tao Đàn - kéo dài trong bảy giờ liền với hơn chục ban nhạc chơi liên tục thì cách tổ chức của các rocker vẫn giống woodstock nhiều hơn cái diễn ra ở Phú Mỹ Hưng tối 31/3. Có quá lời không nếu bảo rằng Đoá hoa vô thường chỉ là một chương trình như rất nhiều chương trình từng thực hiện tại Hội quán Hội ngộ (Khu du lịch Bình Quới) trong những năm trước, nhân ngày giỗ Trịnh? Có khác chăng là ở Hội quán Hội ngộ, phần sân khấu được chăm chút hơn và không có phần "sinh hoạt cộng đồng" tẻ nhạt.
Nghệ sĩ và khán giả hát cùng nhau bản Nối vòng tay lớn
Thật may! Khán giả vẫn yêu Trịnh, vẫn hát theo những ca khúc họ đã thuộc nằm lòng và dù đã có nhiều khán giả ra về khi đồng hồ chưa vượt quá thời khắc 21g30 nhưng vẫn còn một số lớn người nán lại để cùng thưởng thức phần biểu diễn saxophone ngẫu hứng của Trần Mạnh Tuấn và người bạn Hàn Quốc - những tác phẩm quen thuộc của Trịnh Công Sơn. Họ vẫn nán lại để cùng hát với nhau bản Nối vòng tay lớn để giúp BTC lập kỷ lục Việt Nam về số người đông nhất cùng hát khúc ca này.
Đông đảo khán giả vẫn yêu nhạc Trịnh dù ông qua đời đã nhiều năm
Tình yêu của khán giả đối với nhạc Trịnh vẫn thế dù ông đã ra đi được 12 năm. Dường như đối với rất rất nhiều bạn yêu nhạc Việt Nam thì chỉ cần được ngồi bên nhau, nghe Trịnh đã là quá đủ, bất kể là ai hát, bất kể phải đi bao xa, chờ đợi bao lâu. Nếu khán giả chỉ thiết tha nghe Trịnh, không đòi hỏi gì nhiều, sẵn sàng bao dung thì Đoá hoa vô thường sẽ vẫn là một đêm nhạc thành công.
Xem lại tiết mục của Mỹ Linh, Hồng Nhung trong chương trình: