Xả rác vào môi trường - 'xả độc' trên mạng

16/03/2019 - 11:30

PNO - Dù hưởng ứng hay không, có xắn tay áo vào dọn rác thật sự hay không, cộng đồng một lần nữa được đánh động: màu xanh của trái đất đang bị đe dọa, cần được bảo vệ.

Cuối cùng thì “trend dọn rác” đã về tới Việt Nam trong sự vui mừng của nhiều người. Hàng loạt hashtag xuất hiện trên mạng xã hội, nào là #ChallengeForChange, #trashtag, #Wedontdeservethisplanet, #basurachallenge… - với thách thức “dọn sạch rác thải để bảo vệ môi trường”, kèm yêu cầu chụp lại ảnh khu vực trước và sau khi thực hiện.

Xa rac vao moi truong  - 'xa doc' tren mang

Nhóm "Ờ" hưởng ứng #Challenge-For-Change, dọn rác xung quanh khu vực Hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt.

Hình ảnh trước - sau mà các bạn trẻ quốc tế, cũng như Việt Nam, đã, đang và sẽ làm, rồi đăng tải trên mạng, hệt như các báo cáo thành tích đáng trân trọng cho công cuộc bảo vệ môi trường sống ở mọi ngóc ngách trên hành tinh này. Dù hưởng ứng hay không, có xắn tay áo vào dọn rác thật sự hay không, cộng đồng một lần nữa được đánh động: màu xanh của trái đất đang bị đe dọa, cần được bảo vệ.

Hashtag thách thức dọn rác làm người viết nhớ đến lời kêu gọi của nhà thần học Karol Józef Wojtyła thời điểm năm 2000 - nhân loại chuẩn bị bước vào ngàn năm mới: “Làm sao chúng ta có thể hờ hững trước viễn cảnh môi trường sinh thái bị khủng hoảng, đang biến những khu vực rộng lớn của hành tinh chúng ta không còn người ở hay trở nên rất khắc nghiệt đối với con người? Hoặc hờ hững đối với vấn đề hòa bình trước cảnh con người lúc nào cũng bị các cuộc chiến tàn khốc đe dọa? Hoặc hờ hững trước nguy cơ coi thường các quyền căn bản của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ?”.

Xa rac vao moi truong  - 'xa doc' tren mang

Quán quân "Next Top" Hương Ly tham gia "thử thách dọn rác" dưới chân cầu Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM.

Chúng ta đã trải qua 19 năm ở thiên niên kỷ thứ ba, suy cho cùng, những thách thức dọn rác - chụp ảnh, hay chuyện hòa bình, quyền phụ nữ và trẻ em… vẫn sẽ là những chuyện cũ của thế giới mãi mãi cần được kêu gọi thay đổi.

“Trend dọn rác” thật sự đáng cổ vũ, các hình ảnh tình trạng trước - sau hết sức ấn tượng, nhưng cũng chỉ là những cố gắng giải quyết phần ngọn của vấn đề. Người ta có thể dễ dàng hăng hái lao vào một bãi biển, một cánh rừng đầy rác, hay một khúc kênh đen đầy kim tiêm… để đổ mồ hôi dọn sạch bong, tự hào chụp lại “tác phẩm” nhằm lan tỏa hành động đến nhiều người. 

Xa rac vao moi truong  - 'xa doc' tren mang

Thế nhưng, chưa biết chừng, cũng chính những con người ấy, vẫn chưa có thói quen lành mạnh trong cuộc sống thường nhật: bỏ rác đúng nơi định, từ bỏ thuốc lá, không bấm còi xe… Bao nhiêu phần trăm trong số họ và cả chúng ta chủ động từ bỏ túi nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường?

Muốn có những giải pháp tận căn cho vấn đề sinh thái, mọi hoạt động của đời sống cần phải hướng đến sự tôn trọng môi trường ở mức cao nhất. Mọi hoạt động có sử dụng tài nguyên thiên nhiên đều phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và phải dự kiến những phí tổn, hay cái giá phải trả cho nó.

Xa rac vao moi truong  - 'xa doc' tren mang

Ở một khía cạnh khác, đừng quên thế giới còn hiện hữu môi trường mạng, chính là nơi các hashtag thách thức xuất hiện. Và đã đến lúc, môi trường này cũng cần những chiến dịch gây ý thức tận gốc rễ để nó trở nên xanh sạch, lành mạnh. Cứ xem video clip người mẹ ở La Gi (tỉnh Bình Thuận) vừa khóc vừa nói về đứa con trai ngoan hiền, bị vạ lây do nhầm lẫn trong vụ ồn ào “cô giáo vào khách sạn với học sinh lớp Mười bị chồng bắt quả tang”, chúng ta thấy gì?

Trách nhiệm post, like, share… là cái mà chúng ta đang mặc sức xả thải trên môi trường internet, chả khác nào tội ác xả chất độc hại ra thiên nhiên. Hậu quả là sự chết sẽ chiến thắng, sẽ tràn lan.

Người mẹ có cậu con trai bị nhầm lẫn ở Bình Thuận biết ngày nào mới thôi lo sợ thằng bé không chịu nổi áp lực rồi nghĩ quẩn, làm điều nông nổi?

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI