Xa nhau vì…công nghệ

04/03/2013 - 00:14

PNO - PNO - Nhi, cô bạn thân của tôi vẫn thường than vãn về anh chồng mê game online hơn vợ con. Cô không hiểu game online có gì mà chồng cô lại mê đến bỏ ăn, quên ngủ. Thế nhưng, từ lúc bắt chước bạn bè tạo tài khoản trên facebook, cô...

Xa nhau vi…cong nghe

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không ai nhường ai, cuối cùng giải pháp là mua thêm cái laptop, ngoài cái máy tính để bàn hiện có. Sự việc không dừng ở đó vì đứa con trai đang tuổi mẫu giáo của Nhi lại đòi máy tính để chơi…điện tử. Nếu nhường máy cho con thì một trong hai vợ chồng phải ngưng…online. Giải pháp tiếp theo là mua thêm một chiếc Iphone để Nhi tiện…online, máy tính để bàn nhường cho con. Tưởng đã yên, một ngày nọ mẹ chồng ở quê lên thăm. Buổi tối, cơm nước dọn dẹp xong xuôi, bà thấy con trai mình cắm cúi bên chiếc laptop, thằng cháu nội ngồi lì bên chiếc máy tính để bàn ì đùng với những trò chơi điện tử, chả ai buồn chơi với bà nội. Bà gọi cả hai vợ chồng lại ngồi “họp” gia đình. Bà bảo, cả hai vợ chồng phải coi lại thế nào chứ không thể duy trì kiểu gia đình “mạnh ai nấy sống” như thế này, nếu kéo dài thì những mối liên hệ trong gia đình rất dễ đứt, gãy. Hôm sau, bà bỏ về sớm vì giận.

Vân - bạn tôi, có chồng đi làm xa, ở nhà chẳng ai trông bọn trẻ nên đi đâu cũng dắt theo hai cậu con trai. Trong những buổi tiệc cưới hay họp mặt bạn bè, hai đứa con của Vân thường được mọi người khen là ngoan, “lành tính”. Thật ra, đi đâu Vân cũng đem theo “đồ chơi” cho hai đứa con là cái Ipad cho đứa lớn (7 tuổi) và cái Ipod Touch cho đứa nhỏ (4 tuổi). Từ đầu đến cuối buổi, chẳng thấy hai anh em chạy nhảy, nô đùa cùng những đứa trẻ khác mà chỉ dán mắt vào màn hình của mấy món đồ chơi cao cấp kia.

Có lần, máy của cậu em hết pin, cậu em quay sang đòi máy của anh. Đòi không được, cả hai giành nhau, la hét ầm ĩ, mẹ nói thế nào cũng không nghe. Hỏi Vân không sợ bọn trẻ “nghiện” trò chơi điện tử, rồi thì nguy cơ bị cận thị, Vân bảo, có khi nhờ mấy cái đồ chơi đó mà Vân rảnh tay với bọn trẻ để làm việc khác, không phải la mắng vì trẻ con ở tuổi này thường hiếu động và ít chịu ngồi yên một chỗ. Không có bố ở nhà, những món “đồ chơi” ấy giúp bọn trẻ “ngoan” hơn. Có điều, đưa con đến đâu, bọn trẻ cũng chỉ nói xong mỗi câu chào là thu về góc riêng của mình, chẳng quan tâm đến ai hay thứ gì khác! Bố gọi điện về đòi nói chuyện, cả hai chỉ trả lời qua quít vài câu rồi lại chúi đầu vào mấy thiết bị điện tử.
 

Xa nhau vi…cong nghe

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vân bảo, thời bây giờ trẻ con đâu giống ngày xưa, lấy đâu ra sân chơi cho bọn chúng chạy nhảy? Ngoài giờ học, nếu không chơi điện tử thì bọn chúng cũng dán mắt vào màn hình tivi chứ mấy trò chơi dân gian dành cho trẻ con thì mấy ai còn chơi? Bố mẹ có rảnh đâu mà chơi với chúng? Vân kết luận: “Trẻ con ở nước ngoài cũng chơi mấy món đó thôi, thậm chí chúng còn biết đến mấy thiết bị hiện đại ấy sớm hơn mình”.

Mẹ chồng Nhi nói đúng, nhưng những gì Vân nói cũng không phải không có lý. Vấn đề là làm sao sống chung với các thiết bị “công nghệ” ấy mà không ảnh hưởng đến tính cách của con trẻ cũng như đến các mối dây tình cảm gắn bó trong gia đình. Điều này quả thật không đơn giản khi các sản phẩm “hi-tech” với nhiều tính năng hấp dẫn đang ồ ạt ra đời với tốc độ chóng mặt. Làm sao “cách ly” bọn trẻ khỏi mấy món đồ chơi điện tử hiện đại ấy để nhiều gia đình không phải khổ vì… công nghệ?

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI