PNO - Xung đột lợi ích của doanh nghiệp thủy điện và cộng đồng, dẫn đến nhà trôi, người chết, là chuyện quá mòn nhàm, bởi… quy trình! Thủy điện cứ đưa ra quy trình: Không xả sẽ vỡ đập!
Hơn 24.000 dân Hà Tĩnh nằm dưới họng nhà máy thủy điện Hố Hô đã và đang trải qua những ngày khủng khiếp. Nước ngập tới nóc nhà trong đêm 14/10, do thủy điện này xả nước, khiến họ phải bỏ chạy thoát thân.
Phía thủy điện, ông Vũ Mạnh Hùng, giám đốc nhà máy, phản ứng: Việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình, bởi nhà máy đã xin lệnh xả và điều tiết từ 20g ngày 13/9. Từ 0g đến 14g ngày 14/10, nhà máy luôn điều tiết ở tình trạng nước xả đi ít hơn nước về. Đến 18g45, lượng nước đổ về hồ là 1.800m3 /s, có lúc xấp xỉ gần 2.000m3 /s, sợ sẽ bị tràn ngập, nên buộc phải xả và nhà máy đã có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp.
Vậy, thông báo này đã được đưa ra trong tình thế nào, có đến tai người dân và chính quyền không? Theo ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê (nơi có gần 11.000 nhà dân đến chiều tối 15/10 còn ngập sâu tới nóc) thì 16g ngày 14/10, cốt nước tại Hố Hô là 68m, lưu lượng nước 1.700m3 /s, nhà máy mở ba cửa xả lưu lượng 1.500m3 /s. Tới 17g39, cốt nước đã hạ xuống còn 67,3m, nước vào 1.400m3 /s, nhưng lượng xả lại tăng lên 1.700m3 /s; tới 19g, lãnh đạo huyện Hương Khê trực tiếp lên kiểm tra thì lưu lượng xả lúc này đã 1.843m3 /s, dù cốt nước 67m. Ông Huấn bức xúc: “Xả lũ ồ ạt là nguyên nhân gây ra lũ lớn”.
Theo quy định, trước khi xả, nhà máy sẽ thông báo bằng văn bản trước hai ngày cho cơ quan chức năng; trong trường hợp khẩn cấp thì thông báo trực tiếp bằng điện thoại. Lần này, đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới một vị phó chủ tịch huyện lúc 16g chiều ngày 14/10. “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ một-hai tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả một tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”, ông Huấn nói.
Còn ở dưới xã, thôn thì sao? Ông Trần Đình Lâm, Bí thư xã Lộc Yên cho biết, không có thông báo bằng văn bản trước khi xả, tầm hơn 17g phía thủy điện có điện thoại cho UBND xã, lãnh đạo xã chỉ kịp thông báo tới bí thư, xóm trưởng. Nhưng lúc này trời đã tối, nước bắt đầu đổ về nhanh, điện mất nên người dân nhiều xóm không thể biết thủy điện xả lũ.
Còn ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch xã Hương Giang thì nói: “Nước vào bất ngờ do xả đập Hố Hô. Dù xã thông báo liên tục cho người dân chạy lũ nhưng nước lên quá nhanh, lại vào ban đêm nên người dân xoay xở không kịp”.
Vậy thì đã rõ. Nhà máy thủy điện xả với lưu lượng cực lớn là 1.500m3 /s đến 1.800m3 /s, bắt đầu từ 16g ngày 14/10 đến 19g đêm đó. Và nói như ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là: “Thủy điện xả từ 500m3 /s vọt lên 1.800m3 /s, khiến dân không trở tay kịp”.
Xả như vậy là đúng quy trình, bởi nếu không xả, đập sẽ vỡ, thì đại nạn, nhưng quy trình này là quy trình gì? Thông báo xả trong vòng hai tiếng đồng hồ, thử hỏi trong thời gian đó, người dân có kịp dọn dẹp tài sản, gia súc, gia cầm chạy không?
Nhận định việc này, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, chuyên gia thủy lợi cho biết: “Vậy là y như ở Quảng Nam năm 2009, dân Đại Lộc chết đứng vì kiểu đó”. Khi được hỏi, hễ mưa lớn, kịch bản “đúng quy trình” từ thủy điện lại xuất hiện, và mặc nhiên là có chuyện dân màn trời chiếu đất, ông Tập nói: “Phải xả trước khi có mưa lớn mới đảm bảo cắt lũ”.
Còn ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia thủy lợi, nguyên PGĐ Sở NNPTNT Đà Nẵng, phân tích: “Quy trình trong cái gọi là xả lũ, có thì có, nhưng lưng chừng lắm. Tôi ví dụ, năm 2013, lụt rất lớn ở Quảng Nam. Lúc đó tôi có mặt ở thủy điện Đăkmi 4 tại huyện Phước Sơn, lượng mưa lúc đó, dự báo trong sáu tiếng là mức nước sẽ chạm đỉnh cho phép xả, nhưng chỉ hai tiếng sau thì thủy điện đã đầy ở mức nguy hiểm, buộc phải xả. Nói điều này để thấy rằng, muốn nói đúng quy trình hay không, phải nhìn vô thực tế địa hình miền Trung, vốn hẹp và dốc, chỉ cần có mưa lớn là chảy xiết, nên việc dự báo mực nước ở các thủy điện dứt khoát bị động. Về lý thuyết là có quy trình, nhưng nó chỉ có thể cắt, giảm lũ nếu lũ nhỏ, chứ lớn là bó tay. Và thêm một điều căn cốt này: nhà máy kinh doanh, họ phải tích nước để phát điện, nên họ canh chừng mới xả”.
“Vậy làm thế nào để cái gọi là xả đúng quy trình nhưng dân không chết?”. “Đây là bài toán khó, rất khó. Chỉ còn cách các nhà máy hãy chấp nhận bớt kiếm lời đi, hãy vì tính mạng người dân mà xả mở tất cả các van trước mùa mưa, để không có cảnh nửa đêm chạy lụt”, ông Thắng nói.
Xung đột lợi ích của doanh nghiệp thủy điện và cộng đồng dẫn đến nhà trôi, người chết, lâu nay, là chuyện quá mòn nhàm, bởi… quy trình! Quay trở lại với chuyện thủy điện Hố Hô, câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm trong chuyện này? Thủy điện cứ đưa ra quy trình, mà quy trình đó chỉ căn cứ vô một điểm nghe mà… ớn và dễ cho qua: không xả sẽ vỡ đập!
Nhưng xin hỏi: Tại sao không xả sớm trước khi có mưa lớn, dù đã được dự báo? Và nói tha thiết như Chủ tịch huyện Hương Khê là xin ngừng xả một tiếng để dân chạy lũ, cũng không cho! Đến lúc này, quyền và lợi ích của thủy điện to hơn chính quyền và mạng dân. Mặc dân sống chết, cứ xả để cho được phần mình.
Câu hỏi sao không xả sớm, không phải dành cho thủy điện, mà chính là dành cho Chính phủ. Không giỡn mặt với mạng dân, không nuông chiều các thủy điện nữa, Chính phủ cần phải ra tay, rằng các cá nhân chịu trách nhiệm của các công trình thủy điện sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm nếu cứ xả khi mưa to, lũ lớn, nước thượng nguồn về, nước sông dâng, bởi không gì lớn và quý hơn mạng dân.
Vụ việc tại Hà Tĩnh, dân rồi đây sẽ lâm vào đói khát, dịch bệnh, không cửa nhà, tội này là của lãnh đạo thủy điện Hố Hô. Hãy lôi họ ra tòa. Chỉ có như vậy các vị mới biết sợ, mới biết đồng tiền của mình không to, mới biết mạng dân cũng là mạng người.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.