Xa lộ Hà Nội - đường về trong ký ức

02/12/2023 - 16:33

PNO - Cũng trên tuyến đường quen thuộc ngày nào, nhưng giờ không còn là xa lộ Hà Nội, mà là con đường Võ Nguyên Giáp thênh thang cùng tuyến tàu điện trên cao...

 

Cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội bây giờ có đường metro song hành, thành phố đang hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại (ảnh Nguyễn Quang)
Cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội bây giờ có đường metro song hành, thành phố đang hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại - Ảnh: Nguyễn Quang

Hồi tôi còn nhỏ, từ nhà tôi ở Thủ Đức muốn đến Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) chỉ có con đường duy nhất là xa lộ Hà Nội. Ai cũng phải di chuyển qua cầu Sài Gòn mới vào được thành phố.

Tôi, cô bé 6-7 tuổi gầy gò, nhỏ xíu, được chị Hai cho ngồi vào giỏ xe đạp ở phía trước, chở đi Hồ Con Rùa chơi mỗi cuối tuần. Lớn hơn chút nữa, khi tôi học giỏi được giấy khen, ba tôi lại cho con gái lên cửa hàng sách trong trung tâm thành phố mua truyện.

Trong ký ức trẻ thơ của tôi, được đi Sài Gòn, được lướt qua xa lộ với hàng ngàn chiếc lá bạch đàn 2 bên đường rung rinh theo gió, được nhìn thấy cột khói cao vút của Nhà máy xi măng Hà Tiên, được nghe tiếng máy vang giòn của những chiếc xe lam chở đầy khách trên đường... là hạnh phúc vô bờ.

Rồi tôi vào học đại học ở trung tâm thành phố, hàng ngày mang theo tiếng reo vi vu của nắng, của gió, của bụi đường xa lộ vào giảng đường. Lối xa, người thưa thớt, mỗi ngày đạp hơn 30 km để đi học thì quá vất vả, tôi chuyển sang đón xe buýt đi học.

Xe đạp của tôi được cho lên nóc xe buýt, vì tôi phải đạp xe từ nhà ra chỗ bắt xe ngoài xa lộ, đến bến cuối thì lấy xe đạp đến trường. Chúng tôi được mua phiếu đi xe buýt dành cho sinh viên với giá rẻ. Nhưng ngày đó, khách đi xe buýt đa phần là sinh viên ít tiền chúng tôi và những người lao động không có phương tiện đi lại. Xe buýt không được đầu tư, rất cũ kỹ, xập xệ, sàn xe vương vãi rác bẩn.

Tốt nghiệp đại học, tôi tiếp tục học lên nơi xứ tuyết xa xôi. Mỗi khi trên đường đến trường bằng xe buýt, bằng metro, tôi lại nhớ về chuyến xe số 53 với hành trình từ ngã tư MK tới bến Lê Hồng Phong. Tôi không quên được cảm giác chật chội, nóng nực và giọng anh lơ xe vang rền khi đến mỗi trạm dừng…

Thời đi học xứ người, tôi từng chạnh lòng ước ao: "Phải chi thành phố quê mình phương tiện công cộng cũng thuận tiện, tươm tất, văn minh như ở đây. Chẳng biết đến khi nào, mình mới được đi những chiếc thang cuốn sâu hun hút, hòa mình vào dòng người đông đúc đứng chờ những chuyến tàu điện ngầm lao vút qua dưới lòng thành phố".

Hôm nay, tôi đưa bọn trẻ về thăm ông bà ngoại. Cũng trên tuyến đường quen thuộc ngày nào, nhưng giờ không còn là xa lộ Hà Nội, mà là con đường Võ Nguyên Giáp thênh thang cùng tuyến tàu điện trên cao đang trong giai đoạn ráo riết hoàn thành, nổi bật như con rồng trắng quấn quít, song hành.

Tương lai đầy rộng mở của giao thông thành phố là điều đã thấy rõ. Bài toán kẹt xe, khói bụi, nắng nôi, nhọc nhằn đã có lời giải. Giờ đây, người Thủ Đức chỉ cần bước vài bước ra đầu đường là đã đón được xe buýt vào tận trung tâm thành phố. Những chuyến xe mát mẻ, sạch sẽ, an toàn gọi mời. Ngồi trên xe buýt mát lạnh, bọn trẻ ríu rít bàn tán về ngày metro chính thức chạy: “Mình sẽ là người đi chuyến đầu tiên đi suốt tuyến từ chợ Bến Thành, đến Suối Tiên luôn nha mẹ!”.

Tôi hiểu cảm giác của bọn trẻ, chúng đã háo hức mong chờ ngày được ngồi trên chuyến metro trên thành phố mình đến thế nào. Bởi gia đình tôi từng có dịp du lịch Singapore, các con không ngớt lời thán phục hệ thống MRT văn minh, xịn, đẹp. Tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển thường xuyên tại đảo quốc sư tử của chúng tôi, dù phải đi bộ một quãng xa để ra bến. Thậm chí, các con còn nài nỉ: “Hay mình bỏ thêm tiền để mua vé dạo chơi… trên tàu điện đi mẹ!”.

Rồi một mùa hè tại Thái Lan, vẫn là câu chuyện tàu điện ngầm có đoạn “lộ thiên trên phố”, lũ nhóc đã liên tục trầm trồ. Trước sự phát triển của giao thông các nước láng giềng, các con tôi luôn mơ ước có cây đũa thần của bà tiên chỉ cần giơ đũa lên là cả hệ thống bay về Sài Gòn thân yêu "để con có thể tự đi học, đi chơi như ở nước ngoài”. Sâu xa hơn, hẳn đó còn là nỗi “tự ái” và khát khao của lớp trẻ không xa sẽ chủ nhân của thành phố.

Đường vào thành phố sẽ gần hơn, nhanh hơn (ảnh: Nguyễn Quang)
Đường vào thành phố sẽ gần hơn, nhanh hơn - Ảnh: Nguyễn Quang

“Xe sắp đến trạm, quý khách có nhu cầu xuống xe xin vui lòng thông báo và bước ra cửa...”, giọng đọc êm ái phát ra từ chiếc loa trên xe, nhắc tôi đã đến đầu ngõ nhà ông bà. Tôi dẫn 2 đứa nhỏ tiến về phía cửa, nhấn nút báo hiệu cho bác tài biết. Con tôi quay sang cảm ơn bác tài xé. Bước ra khỏi xe, tôi vẫn ngẩn ngơ, mình vừa mới về nhà bằng xe buýt, trên xa lộ Hà Nội thân thuộc, mà ngỡ như tôi vẫn còn trên chiếc xe buýt ở nơi tuyết trắng hôm nào.

Tôi cũng chợt nhận ra, một thế hệ “văn hóa xe cá nhân” ở độ tuổi trên dưới 50 chúng tôi sẽ lùi dần vào dĩ vãng, nhường chỗ cho lớp trẻ gen Z, gen Alpha…  được tận hưởng hệ thống vận tải công cộng thuận tiện và hiện đại.

Xa lộ Hà Nội "của tôi" sẽ ngày càng gần hơn, nhanh hơn, và vẫn mãi ghi dấu bao đoạn đường trưởng thành của từng thành viên gia đình tôi, của những con dân thành phố này.

Trần Lai (TPHCM)

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Hồng Nhung (PB.TĐ) 04-12-2023 05:13:21

    Bạn làm mình nhớ lại khoảng thời gian đạp xe đi học từ TĐ lên SG quá chừng. Vì mình không đi được xe buýt nên không có những trải nghiệm đi tàu xe như bạn. Nhưng thời gian đó, mình tự phong hihi.... mình là 1 tay đua xe đạp. Có lẽ, những người con TĐ thời đó chắc sẽ có nhiều kỉ niệm vui buồn giống tụi mình. Chúc bạn nhiều sức khỏe & chúc bài viết của bạn đoạt giải cao nhé.

  • Mai Thanh Hải 03-12-2023 17:23:57

    Khả năng viết lách cũng không tồi sắp nói tiếng rồi nhé nhà văn tương lai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI