Xã hội thường “mù” trước tình phụ tử

13/05/2020 - 09:28

PNO - Theo các chuyên gia quản lý nhân sự, vi-rút Corona sẽ đẩy lùi sự nghiệp của phụ nữ trong vài năm, vì trong ý thức mọi người, phụ nữ phải ở nhà chăm con, và nhân viên nam vẫn tiếp tục như thường để công việc vẫn chạy.

Phong tỏa đã thay đổi cách nghĩ và làm việc để cân bằng sự nghiệp và cuộc sống, đặc biệt nếu bạn là đàn ông. Glen, một ông bố đang kiệt sức làm trong ngành công nghệ thông tin chia sẻ: “Sếp tôi nói ông rất thông cảm là tôi có hai con nhỏ và vợ tôi cũng làm việc nên tôi không thể làm việc từ 9-5g như thường lệ. Nhưng trên thực tế, tôi vẫn làm 12 tiếng mỗi ngày”.

“Tôi ngập đầu trong những đòi hỏi liên tục như họp hành qua màn hình, thông tin và báo cáo. Mọi thứ đều cần gấp, nhưng mạng thì rất chậm và bên cạnh đó, hai đứa trẻ gần như thường xuyên chạy quanh nhà tranh cãi nhau để giành kẹo”.

Một ông bố khác, là một nhà nghiên cứu, thừa nhận ông không biết dành ưu tiên cho việc gì trước - nên tập trung vào công việc, hay làm thêm việc nhà trong thời kỳ phong tỏa? Vợ ông nghỉ ở nhà hưởng trợ cấp của chính phủ nên cô ấy làm hết việc nhà bao gồm cả dạy bọn trẻ học. Khi ông xong việc, ông làm những việc quanh nhà như nướng thịt, làm bắp rang hay chơi với con.

Ông cho rằng như thế là hợp lý cho đến khi ông để ý thấy vợ hay mở máy hút bụi khi ông đang làm việc hay lau dọn một cách cáu kỉnh. Ông hỏi vợ hãy chỉ ra ba điều cô ấy muốn ông làm, cô dấm dẳng: “Anh cũng sống trong nhà này mà, anh phải tự biết lấy”.

Ông chia sẻ ông hiểu gánh nặng vợ đang trải qua, đặc biệt là người phụ giúp dọn dẹp đã không đến nữa trong thời kỳ phong tỏa, nhưng ông vẫn không hiểu tại sao nhà lại phải cần hút bụi mỗi ngày, và thừa nhận rằng ông hay trốn vào phòng riêng để tránh tranh cãi. 

Trong khi đó, một nhà quản lý lại thấy e ngại rằng ông cố gắng cho phép các nhân viên nữ nghỉ giữa giờ để chăm con, nhưng nhân viên nam không ai đòi hỏi tương tự. 

Han-Son Lee, nhà sáng lập tổ chức DaddiLife dành cho cộng đồng các ông bố cho biết: “Thông thường đàn ông không để lộ sự yếu ớt nơi làm việc, và tôi thường thấy họ chỉ chịu đựng hoặc im lặng trước sếp, đặc biệt là những người sếp - một mặt thì nói rất thông cảm và ủng hộ, nhưng mặt khác lại đòi hỏi việc gì cũng phải có kết quả nhanh chóng”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một ông bố là đầu bếp hiện đang chật vật với trợ cấp của chính phủ. Ông biết ông phải dành nhiều thời gian chăm con, nhưng vì chưa từng làm trước đó nên công việc này thường được chuyển sang cho vợ, người đang cố gắng làm việc yên lặng trong góc nhà. “Tôi không thích thú gì việc này, và vợ tôi cũng vậy. Đây không phải là công việc tôi hay làm, và dạy con khiến tôi muốn nổ óc”.

Một quản lý cấp cao trong ngành nhân sự cho biết, chính sách hỗ trợ của chính phủ trong thời kỳ phong tỏa thường dành cho nữ giới vì cho rằng họ phải trông con, trong khi nam giới lại không được hỗ trợ tương tự. Theo các chuyên gia quản lý nhân sự, vi-rút Corona sẽ đẩy lùi sự nghiệp của phụ nữ trong vài năm, vì trong ý thức mọi người, phụ nữ phải ở nhà chăm con, và nhân viên nam vẫn tiếp tục như thường để công việc vẫn chạy”.

Bà nói tiếp: “Chồng tôi làm việc trong môi trường với hạn chót sát sao cuối tháng cuối kỳ. Không có một thỏa thuận nào cho nhân viên làm thêm giờ để bảo đảm hạn chót không bị trễ. Nếu thường ngày bạn phải làm việc đến nửa đêm và bọn trẻ ở nhà trẻ, thì bây giờ bạn phải làm sao - khi giờ làm vẫn vậy, mà bọn chúng lại đang ở nhà? Điều này gây căng thẳng cho tất cả mọi người”.

Tiến sĩ Jeremy Davies, Viện Tình phụ tử đồng ý: “Trước thời kỳ phong tỏa, đó là điều bình thường để doanh nghiệp “thấy” tình mẫu tử của phụ nữ, và bị mù với tình phụ tử ở nam giới - cho rằng chúng tôi thuộc một chủng loại khác. Chúng tôi không biết chắc khủng hoảng lần này sẽ tạo ra những sự khác nhau trong gia đình, nhưng những suy nghĩ theo lối cũ đang hình thành những chính sách mới cho doanh nghiệp và chính phủ. Có vi-rút hay không có vi-rút, cần phải có sự thay đổi”. 

Phan Quỳnh Dao 
(theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI