Xã hội số tạo nhiều thách thức trong nghiên cứu, đào tạo xã hội học

23/12/2023 - 16:20

PNO - Xã hội số là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2025-2030 với định hướng nhằm thay đổi mọi phương diện của tổ chức xã hội cho đến toàn thể người dân.

Ngày 23/12, Khoa Xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Xã hội học và Ngày Xã hội học Nam Bộ 2023 nhằm tôn vinh sự phát triển và những thành tựu trong lĩnh vực xã hội học.

Phát biểu tại tọa đàm khoa học “Xã hội số và xã hội học” diễn ra trong chuỗi sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình 25 năm phát triển, tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, cho biết tiền thân của khoa là Bộ môn Xã hội học trực thuộc khoa Triết học được thành lập năm 1994 và trở thành bộ môn Xã hội học trực thuộc nhà trường vào năm 1996. Đến ngày 26/12/1998, Khoa Xã hội học chính thức thành lập.

Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, phát biểu tại tọa đàm khoa học “Xã hội số và xã hội học” diễn ra trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Ngày Xã hội học Nam Bộ 2023 - Ảnh: Quốc Ngọc
Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, phát biểu tại tọa đàm khoa học “Xã hội số và xã hội học” diễn ra trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Ngày Xã hội học Nam Bộ 2023 - Ảnh: Quốc Ngọc

 

“Trong suốt 25 năm qua, Khoa Xã hội học là nơi đào tạo nhiều thế hệ sinh viên có thể trở thành “các bác sĩ của xã hội” với khả năng nghiên cứu, theo dõi, chẩn đoán, phân tích và lý giải những vấn đề xã hội, từ đó đề xuất các kiến nghị mang tính giải pháp nhằm vận hành xã hội ổn định và phát triển bền vững. Đây cũng là nơi tạo nguồn động viên, là nơi khơi nguồn cảm hứng cho những người mong muốn dấn thân nghiên cứu để thay đổi xã hội”, bà Nguyễn Nữ Nguyệt Anh nói.

Hiện khoa được công nhận là cái nôi đào tạo xã hội học có uy tín, chất lượng và là nơi duy nhất ở khu vực phía Nam đào tạo cả 3 chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

“Tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh xã hội học không thể phủ nhận cách mạng 4.0 đang tạo ra không ít những thách thức, những khó khăn cho công tác nghiên cứu và đào tạo trong thời gian tới. Vấn đề cần được quan tâm đối với tập thể khoa là đổi mới như thế nào để bắt nhịp và hòa nhập tốt với những sự biến đổi xã hội trong giai đoạn hiện nay”, bà Nguyễn Nữ Nguyệt Anh đánh giá.

Theo GS.TS.Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, công nghệ số không chỉ tái tạo lại diện mạo cơ bản của đời sống mà còn tạo ra những thay đổi căn bản về mặt xã hội. Trước những thay đổi xã hội do công nghệ số mang lại và những vấn đề mới trong xã hội số, cần phải tiến hành các nghiên cứu xã hội học chuyên sâu.

“Trong bối cảnh này, xã hội học kỹ thuật số (digital sociology) đã xuất hiện. 6 chủ đề nghiên cứu chính trong xã hội học kỹ thuật số đã được quan tâm là kinh tế và sản xuất lao động, chính trị và quyền lực kỹ thuật số, quan hệ và tương tác xã hội, cơ thể và bản thân, bất bình đẳng xã hội và đổi mới phương pháp luận”, ông Nguyễn Hữu Minh nêu.

Tọa đàm khoa học “Xã hội số và xã hội học” ngày 23/12 - Ảnh: Quốc Ngọc
Tọa đàm khoa học “Xã hội số và xã hội học” ngày 23/12 - Ảnh: Quốc Ngọc

Năm 2009, Jonathan Wynn chính thức đề xuất khái niệm “xã hội học số” trong một bài báo ngắn đăng trên tạp chí Sociological Forum (Wynn2009). Tác giả kể lại kinh nghiệm sử dụng công nghệ số trong nghiên cứu và giảng dạy xã hội học, đồng thời, nhấn mạnh công nghệ số đã mang đến những thách thức mới mà xã hội học cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu.

Kể từ khi bài viết này được xuất bản, công nghệ kỹ thuật số đã trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng mới trên toàn thế giới và xã hội loài người đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số.

Từ đó, lĩnh vực nghiên cứu về xã hội học kỹ thuật số tiếp tục được mở rộng, với những đổi mới về mặt lý thuyết và phương pháp luận đã vượt xa ý nghĩa ban đầu của khái niệm này.

Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết thêm, xã hội số là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030 với định hướng nhằm thay đổi mọi phương diện của tổ chức xã hội cho đến toàn thể người dân. Trên thực tế, để thực hiện được xã hội số cần phải có quá trình chuyển đổi số diễn ra trong mọi hoạt động.

“Mặc dù Chính phủ đã thông qua đề án chuyển đổi số trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cho đến nay quy trình triển khai vẫn chưa thực sự quyết liệt. Trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu nhu cầu số hoá các công tác đào tạo là nhiệm vụ thiết yếu và cấp bách”, ông nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI