Xã hội sẽ khuyết, nếu…

15/04/2022 - 07:31

PNO - Người khuyết tật là những chủ thể công dân có đầy đủ quyền lợi. Việc tạo cơ hội để họ tham gia vào đời sống xã hội một cách phù hợp là chiến lược của mọi quốc gia.

Khi tình cờ bắt gặp ai đó trên xe lăn, tôi lại nhớ đến bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh Phạm Xuân Lãnh. Cách đây hơn sáu năm, chúng tôi có dịp chào hỏi khi anh đang ngồi khám cho bệnh nhân Campuchia lúc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh vừa chính thức vận hành tại thủ đô xứ chùa tháp. 

Lãnh là một trong những bác sĩ đầu tiên phục vụ tại đó. Kết thúc buổi khám với những nụ cười ân cần, cách chắp tay từ biệt và nét mặt đăm chiêu dành cho bệnh nhân nghèo đang chờ đợi đến lượt, Lãnh đứng dậy tiến về phía một bệnh nhân khiến tôi nhận ra dáng đi khập khiễng của chàng bác sĩ trẻ.

“Em bị sốt bại liệt từ nhỏ” - anh nhẹ nhàng giải thích và tiếp tục tiến về phía người bệnh. Đầu óc tôi bỗng “tua” lại những sự kiện liên quan đến anh. Với thể hình có khiếm khuyết, Lãnh luôn trao cho người bệnh của anh sự ủi an bằng một tâm hồn nguyên vẹn.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân giao lưu trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”
Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân giao lưu trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”

Có lẽ trước khi được xã hội quan tâm hỗ trợ, thì với bản năng sinh tồn đã khiến người khiếm khuyết một phần cơ thể hoặc một số khả năng nhất định, kịp chứng minh mình là một người trọn vẹn như bao người. Ở con người đó, có đầy đủ những nghĩa vụ đóng góp, cống hiến và quyền lợi như mọi người. Trong danh sách 24 gương khuyết tật vượt khó được tuyên dương tại chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2022, vận động viên điền kinh khiếm thị Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân cho ta thấy rõ nghị lực phi thường của cô. 

Vận động viên xuất sắc này đoạt ba huy chương bạc, một huy chương đồng tại Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2020 Quỳnh Trân khiến người ta nhớ đến câu nói kinh điển về thể thao của doanh nhân khuyết tật người Mỹ gốc Do Thái Joey Reiman: “Nếu như Olympic là nơi anh hùng được tạo ra thì Paralympic là nơi các anh hùng tìm đến”. 

Tuy nhiên, như đã nói, người khuyết tật là những chủ thể công dân có đầy đủ quyền lợi. Việc tạo cơ hội để họ tham gia vào đời sống xã hội một cách đầy đủ, ở cấp độ phù hợp với khả năng của họ là chiến lược của mọi quốc gia. Để có một nền văn hóa phong phú làm điểm tựa cho mọi mô hình phát triển, các nhà hoạch định chính sách luôn hướng đến một xã hội mà trong đó mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một vị trí phù hợp trong một cộng đồng đa dạng.

Chiến lược hòa nhập người khuyết tật của Liên Hiệp Quốc được xem là nền tảng cho sự tiến bộ bền vững. Trong mọi quyết sách tầm mục tiêu quốc gia, Chính phủ Việt Nam luôn đặt phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật là đối tượng ưu tiên hàng đầu cần được bảo vệ, hỗ trợ và phát huy các giá trị, trong đó tạo mọi cơ hội để người khuyết tật tiếp cận các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM nhắc lại chủ đề năm của Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam “Hòa nhập và thích ứng, định hình tương lai”. Điều đó cho thấy, bên cạnh sức mạnh nội sinh của mình, người khuyết tật luôn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng trong quá trình hòa nhập. Sự hòa nhập đó không chỉ là nhu cầu một chiều của họ mà cả ở chiều ngược lại, bởi xã hội sẽ không lành lặn nếu thiếu sự đóng góp của người khuyết tật.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI