Xã hội phức tạp, dạy con khó quá!

27/11/2019 - 12:00

PNO - Hình như bây giờ cha mẹ chỉ nuôi dạy được con khi nó còn nhỏ, chưa tự chăm sóc bản thân, chứ lớn một chút là hết cách. Dạy con thời nay sao khó quá!

Thưa chị Hạnh Dung,

Hình như bây giờ cha mẹ chỉ nuôi dạy được con khi nó còn nhỏ, chưa tự chăm sóc bản thân, chứ lớn một chút là hết cách tác động.

Ở nhà tôi, cứ góp ý gì với con là chồng tôi bảo “con nó lớn rồi”, nhất là khi con lên phổ thông trung học và vào đại học. Giờ giấc đi học, sinh hoạt của nó lộn xộn, lấy đêm làm ngày, không mấy khi ngồi ăn cơm với gia đình, thích gì làm nấy, mua sắm chi tiêu vô tội vạ, riêng giày cũng cả chục đôi, có đôi mua về chưa đi đã chán. Khi tôi nhắc nhở thì cha nó bảo tiền con đi làm thêm được, nó mua gì kệ nó, đừng can thiệp sinh hoạt riêng tư.

Xa hoi phuc tap, day con kho qua!
Ảnh minh họa

Tôi thấy thật khó chị ạ, thà con trưởng thành sống riêng thì bảo không can thiệp, đằng này con vẫn là thành viên trong gia đình, tôi muốn cháu nền nếp, văn minh, sạch sẽ, chứ sao đành nhìn con như vậy?

Tôi mong muốn vậy có lạc hậu và xâm phạm riêng tư của con cái không, thưa chị?

Ngô Thị Thành (TP.HCM)

Chị Ngô Thị Thành thân mến,

Khó khăn mà chị gặp phải hôm nay chính là do chúng ta đã “thả lỏng” con ngay từ lúc nhỏ. Không phải để chê trách gì, nhưng mọi nền nếp, tác phong của con được hình thành rất sớm, mà chúng ta do bận rộn chưa chú ý kịp thời.

Cháu nhà chị đã được “tự do hình thành nét sinh hoạt” thiếu kỷ luật từ nhỏ, nay không thể dùng lời kêu ca, phê phán hoặc chỉ trích nặng nề được, nhất là cha của cháu luôn bênh với lý lẽ “con nó lớn rồi” (dù sự thật đúng là như vậy: con đã hình thành thói quen khó sửa rồi).

Con lớn lên, ra đời, tiếp xúc công nghệ và các nếp suy nghĩ mới ngoài xã hội phức tạp, có khi biết sai vẫn thích làm theo, lời cha mẹ ít còn thuyết phục- nhất là cha mẹ “lạc hậu không biết gì, không hiểu người trẻ” (họ nghĩ thế) nên lời khuyên không được lắng nghe như xưa. Ngay những lời khuyên đúng bây giờ cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế quá nghịch lý - nhiều khi bạn trẻ cho là cha mẹ “cũ và có khi… dại” so với xã hội, nên nghi ngờ ở tính chân lý của lời khuyên.

Với con đã lớn, lời kêu ca, la mắng không có tác dụng gì. Chỉ còn tình thương níu giữ được bền vững. Cách giao tiếp với con cũng khác. Thí dụ, một người la mắng “mày chỉ được cái lãng phí, tiêu tiền như rác”, còn người khác thì nhẹ nhàng trao đổi với ngôn ngữ mà người trẻ đang mơ tới, đại loại “cách sử dụng tiền bạc hợp lý là đặc điểm của những người thành công”, “lòng đam mê chính là nhiên liệu của cuộc sống”… như là đang bình luận về cách sống ở đời chứ không chỉ trích.

Chị hãy cho con tham gia nói lên suy nghĩ của mình trong những cuộc trò chuyện thân tình. Vợ chồng nên kiềm chế lời phê phán nhau kiểu một người la mắng, còn một người thấu hiểu hơn, khiến con dễ đứng về một phía. Nhiều cặp vợ chồng còn tranh thủ lôi kéo con đứng về phía mình như “má mày chỉ toàn kiểu đó”, hay “ba mày có quan tâm gì đâu”… Những lúc như vậy, con cái chỉ thêm rối trí và nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

Khi con lớn lên, nếu được yêu thương - chúng sẽ nhận ra và bắt đầu biết thương yêu cha mẹ. Những đứa càng va vấp, càng gian khổ trên đường đời, sẽ càng nhớ nhiều hơn. Thế hệ sau tiến bộ hơn, thế hệ trước sát cánh với tình yêu thương - cái nền vững chắc để cùng tiếp cận những thay đổi của thời đại - điều này con sẽ nhận ra, rằng chúng ta không hy sinh vô ích.

Mong chị tìm cách gần gũi con hơn để thành công trong việc giúp con khôn lớn. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI