Xã hội phát triển vì con người là mơ ước của nhân dân

19/10/2022 - 15:38

PNO - Ngày 18/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức tọa đàm khoa học về giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với hơn 80 ý kiến tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn gửi về ban tổ chức và trực tiếp trình bày tại tọa đàm đều thống nhất khẳng định: bằng những lập luận khoa học chặt chẽ, phân tích sâu sắc, biện chứng, đúc kết từ thực tiễn, tác phẩm đã từng bước trả lời 4 câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Và thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa và đặt ra vấn đề gì?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II - nhận định, khi trả lời câu hỏi “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”, Tổng Bí thư đã có những luận giải một cách khách quan, thuyết phục từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và từ những hạn chế, yếu kém của chủ nghĩa tư bản.

Dù chủ nghĩa tư bản hiện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, song những mâu thuẫn trong lòng của chế độ này, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân của chủ nghĩa tư bản, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng làm sâu sắc, khủng hoảng kinh tế chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”, ông nói.

Tọa đàm khoa học Giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18/10 tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Tọa đàm khoa học Giá trị tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18/10 tại TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Các thiết chế dân chủ mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. “Điều chúng ta cần là một xã hội, trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”, ông Nguyễn Quốc Dũng nêu.

Những mong ước tốt đẹp đó chính là giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Con đường phát triển dù quanh co phức lắm chông gai, song tiến lên xã hội chủ nghĩa phải là một xu thế tất yếu, không những phù hợp với logic lịch sử mà còn là khát vọng của những người tiến bộ, mong mỏi hạnh phúc.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - kết luận tọa đàm. Ảnh: Quốc Ngọc
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kết luận tọa đàm - Ảnh: Quốc Ngọc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam... chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và đều giành được thắng lợi vẻ vang. Bước vào giai đoạn hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước, sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đất nước chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thành tựu đó đã luận chứng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, minh chứng cho sự đúng đắn về xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã chọn lựa.

Tham luận tại tọa đàm, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM - cho rằng, bài viết rất đúng lúc Đảng ta cần có tiếng nói của người lãnh đạo cao nhất của Đảng trước các vấn đề nội bộ và các mối quan hệ quốc tế đang diễn ra đa dạng, nhiều chiều, nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức.

Theo ông, niềm tin trong nhân dân đã bị giảm sút trong một thời gian khá dài, và chỉ vừa mới được củng cố một bước qua thái độ chống tham nhũng quyết liệt của Trung ương và những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong quá trình đại hội Đảng các cấp đến Đại hội XIII của Đảng.

“Bài viết của Tổng Bí thư là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời khơi dậy ý thức học tập nghiên cứu lý luận thường xuyên trong cán bộ, đảng viên”, ông Phạm Chánh Trực nói.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho biết, hầu hết trong 80 bài tham luận từ các tập thể, cá nhân gửi về, đều thống nhất, sự ra đời tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu.

Các bài viết không chỉ thuần túy về mặt lý luận chung mà có rất nhiều bài lý luận chuyên ngành, bám sát thành tựu thực tiễn của đất nước qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội để chứng minh lời khẳng định của Tổng Bí thư: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể tự hào: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

“Ngoài ra, các phát biểu tham luận đã tập trung phân tích, minh chứng bằng những số liệu, công trình, mô hình… trên tất cả các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” cho đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, làm sáng tỏ các vấn đề được đặt ra.

Đồng thời, một lần nữa khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI