Xã hội hóa giáo dục mầm non: Không dễ!

14/12/2020 - 07:07

PNO - Việc phát triển các loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập luôn được TP.HCM quan tâm nhưng còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, thống nhất trong các quy định.

Giáo viên “vào, ra” thường xuyên

Thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện của TP.HCM. Tại Q.Thủ Đức, nơi được chọn tham gia đề án 404 của TP.HCM về hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp - khu chế xuất, bà Đỗ Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN quận, chia sẻ: đội ngũ giáo viên, bảo mẫu thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giảng dạy tại các cơ sở mầm non ngoài công lập (NCL).

Trong quá trình thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo bằng kinh phí Nhà nước, cam kết làm việc lâu dài nhưng học xong vẫn không thực hiện, bỏ sang các tỉnh lân cận làm việc. Còn người nuôi giữ trẻ ở các điểm gia đình thường lớn tuổi, không thể tham gia các lớp tập huấn, khó khăn cho công tác quản lý. 

Cơ sở mầm non ngoài công lập tại TP.HCM (ảnh minh họa)
Cơ sở mầm non ngoài công lập tại TP.HCM (ảnh minh họa)


Tại H.Nhà Bè, hiện có 13 trường mầm non CL, 34 trường NCL và 46 nhóm, lớp với 7.793 trẻ. Là địa bàn có khu công nghiệp đang hoạt động nên H.Nhà Bè luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giáo dục thành lập các trường, nhóm lớp NCL để đáp ứng chỗ gửi trẻ cho người dân.

Huyện đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhóm trẻ độc lập tư thục; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ cho đội ngũ quản lý, giáo viên, bảo mẫu…

Tuy nhiên, bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) H.Nhà Bè, thừa nhận, chính đội ngũ giáo viên không ổn định nên công tác bồi dưỡng chuyên môn tại các sở gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tương tự, tại Q.9, bà Phan Thị Kim Duyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận, cũng cho rằng, giáo viên NCL “vào, ra” liên tục, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở. Khi không tuyển được giáo viên thì các cơ sở NCL thường hợp đồng giáo viên hoặc tận dụng lực lượng bảo mẫu tại chỗ vào làm. 

Càng có nhiều nhóm, lớp ngoài công lập càng lo 

Theo lý giải của lãnh đạo một số phòng GD-ĐT, thành lập nhiều nhóm, lớp sẽ đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân nhưng khâu quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Như Q.9, ngoài quản lý, phòng GD-ĐT còn phối hợp với UBND 13 phường để quản lý chất lượng giáo dục các cơ sở NCL. Đồng thời, thành lập ban quản lý chất lượng của quận và các cụm chuyên môn gồm ban giám hiệu các trường mầm non CL để hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở NCL.

Tuy nhiên, bà Kim Duyên thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý vẫn khó chặt chẽ, sâu sát vì hiện tại chỉ có một phó phòng mầm non và hai chuyên viên. Dù phòng GD-ĐT đã có “cánh tay nối dài” là các phường, cụm chuyên môn cùng tham gia hỗ trợ nhưng họ chỉ hỗ trợ một phần trong kế hoạch như tổ chức sinh hoạt, dự giờ.

“Chỉ tính riêng P.Phước Long B, hiện có Trường mầm non Hoa Lan là CL, còn lại đến 12 trường NCL và hơn 20 nhóm, lớp. Do đông dân nhập cư, phường này liên tục thành lập nhóm, lớp, bắt buộc phòng GD-ĐT phải thường xuyên phối hợp với phường để kiểm tra điều kiện cấp phép trong khi lực lượng thì mỏng”, bà Kim Duyên nói. 

Một thực trạng nổi cộm hiện nay là một số chủ đầu tư trong quá trình nộp đề án lên phường xin cấp phép thành lập thì kết hợp tổ chức nhận giữ trẻ luôn, dù chưa có giấy phép hoạt động. Sự việc thường được phát hiện khi phòng GD-ĐT hỗ trợ phường đi kiểm tra điều kiện cấp phép thành lập.

“Thực ra, phòng GD-ĐT quản lý chủ yếu về chuyên môn, còn quản lý cơ sở vật chất thuộc về địa phương. Phường nào không quản lý chặt thì dễ phát sinh hoạt động không phép. Vấn đề này đang xảy ra ở nhiều quận, huyện. Q.9 cũng đang cố gắng khắc phục”, bà Kim Duyên chia sẻ.

Cũng theo bà Kim Duyên, một phần của việc thành lập nhiều nhóm, lớp như hiện nay là do bất cập trong quy định về đất đai. Nghị định 46 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đòi hỏi muốn thành lập trường yêu cầu đất phải có quy hoạch giáo dục. Vướng quy định, một số nhóm, lớp hoặc chủ đầu tư muốn xây dựng trường nhưng không làm được, lúc này buộc phải hoạt động ở dạng nhóm, lớp.

Bà Kim Duyên thông tin: “Nếu là trường học sẽ nhận các lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và công tác quản lý sẽ thuận tiện hơn, chuyên môn ổn hơn. Còn nhóm, lớp chỉ nhận theo lứa tuổi và không quá 70 trẻ. TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT, các bộ ngành liên quan xem lại quy định nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng”. 

Ngoài bất cập trên, hiện nay, Nghị định 36 năm 1997 đến Nghị định 29 năm 2008 của Chính phủ về khu công nghiệp - khu chế xuất quy định không có dân cư sinh sống ở đây dẫn đến không có quỹ đất xây dựng công trình phục vụ tiện ích cho người dân, trong đó có trường học.

Như TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp - khu chế xuất với hơn 288.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 60%, hầu hết trong độ tuổi có con nhỏ, nên nhu cầu gửi trẻ tại các khu này rất lớn. Nhưng hiện chỉ có 18 trường mầm non (gồm 9 trường CL và 9 trường NCL) hoạt động với 211 phòng học, đáp ứng nhu cầu giữ 6.300 trẻ. 

Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất kiến nghị: TP.HCM cần ưu tiên đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, đặc biệt là trường mầm non. UBND quận, huyện nơi có khu công nghiệp hiện hữu cũng cần hỗ trợ tạo quỹ đất để đầu tư xây trường mầm non, đáp ứng nhu cầu gửi con cho công nhân.

 

Tính đến cuối năm học 2019-2020, TP.HCM có 1.352 trường mầm non (gồm 467 trường CL; 885 trường NCL); 14.931 nhóm, lớp (gồm 5.061 CL và 9.870 NCL) với tổng số trẻ 348.634 (153.204 trẻ CL, 195.430 trẻ NCL) và 26.586 giáo viên. Trong đó, CL có tỷ lệ 2.1 giáo viên/lớp, còn ở NCL là 1.61 giáo viên/lớp. Quy mô, mạng lưới cho thấy nhóm lớp, trường mầm non NCL đang góp phần chia sẻ với mầm non CL về chỗ học, giảm áp lực sĩ số, nâng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

 

Mỹ Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI