PNO - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã sớm bị loại sau 2 lượt đấu trong khi đội Nhật Bản là đội đầu tiên đi tiếp vào vòng 1/16, cũng là đội đầu tiên toàn thắng 3 trận ở vòng đấu bảng của vòng chung kết FIFA Women’s World Cup 2023. Thấy gì từ sự thành công của đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản?
Chiều cao không là “vấn đề”
Những trận thua của đội tuyển bóng đá nữ (BĐN) Việt Nam ở sân đấu đỉnh cao thế giới đã sớm được dự báo. Nhiều người viện dẫn lý do: cầu thủ nữ Việt Nam thua kém các đội về tầm vóc, thể hình dẫn đến thua về sức mạnh, tốc độ, khả năng tranh chấp tầm cao, bên cạnh đó là các nguyên nhân về dân số, kinh tế, mức độ quan tâm, đầu tư...
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chính thức chia tay World Cup 2023 sau trận đấu với Hà Lan ngày 1/8 - Nguồn ảnh: AFP |
Những lý do như trên đều đúng, nhưng chưa đủ. Ấn Độ, Trung Quốc đông dân vượt trội nhưng nền bóng đá quốc gia của họ không thể sánh bằng Nhật Bản. Các quốc gia Vùng Vịnh rất giàu có nhưng nền bóng đá của họ vẫn kém Nhật Bản, đặc biệt là BĐN.
Các nước có chiều cao về nhân khẩu học đứng đầu thế giới như Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển vẫn chưa bao giờ vô địch thế giới trong khi BĐN Nhật Bản từng vô địch World Cup. Chiều cao trung bình của đội tuyển BĐN Nhật Bản ở World Cup 2023 là 1m64 nhưng họ vẫn thắng giòn giã 4-0 trước đội Tây Ban Nha có chiều cao trung bình 1m70 để đứng đầu bảng C vào ngày 31/7 vừa qua. Nên nhớ, đội tuyển nữ Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 5 đội có chiều cao trung bình thấp nhất ở các vòng chung kết World Cup.
Vậy, điều gì làm nên thành công của đội tuyển BĐN Nhật Bản?
Xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp
Năm 1989, giải vô địch bóng đá nữ Nhật Bản (L-League) ra đời. Nhưng, chính sự xuất hiện của giải chuyên nghiệp bóng đá nam Nhật Bản (J-League) vào năm 1993 đã tác động rất lớn đến sự phát triển của L-League.
Khi đó, mô hình hoạt động của J-League đã được L-League áp dụng trong việc tìm kiếm, đào tạo cầu thủ nữ giỏi cũng như mở các lớp đào tạo và nâng cao chuyên môn cho các huấn luyện viên. Bên cạnh đó, hằng năm, cầu thủ nữ của các câu lạc bộ đều được tham gia lớp huấn luyện kỹ thuật do L-League phối hợp cùng các câu lạc bộ của Mỹ và Úc - 2 nền bóng đá nữ hàng đầu thế giới - tổ chức.
Từ vài trăm khán giả mỗi trận, theo thời gian, các trận đấu ở L-League đã thu hút vài ngàn rồi chục ngàn, thậm chí còn đông hơn ở những trận cầu quan trọng. Từ 6 đội ban đầu vào năm 1989, L-League tăng lên 8 đội vào năm 2000 và lên 10 đội vào năm 2010. Điều đáng nói là 5/10 đội ở L-League trực thuộc 5 câu lạc bộ chuyên nghiệp ở J-League. Năm 2004, L-League được chia làm 2 cấp độ với tên gọi Nadeshiko League (hạng nhất), Challenge League (hạng nhì) và có thêm Cúp quốc gia nữ.
Đến ngày 3/6/2020, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) thông báo, 2021 sẽ là mùa bóng chuyên nghiệp đầu tiên của BĐN Nhật Bản với tên gọi mới là WE League, với sự tham gia của 12 đội, trong đó có 7 đội trực thuộc J-League. Thấp hơn WE League là giải bán chuyên nghiệp với tên gọi là Nadeshiko League. Ngoài ra, BĐN Nhật Bản cũng có Cúp liên đoàn (WE League Cup) và Cúp quốc gia (Empress’s Cup). Tóm lại, hệ thống BĐN Nhật Bản là hình kim tự tháp như bóng đá nam.
Tập trung khai thác sở trường
Từ World Cup 2011 đến nay, qua 12 năm, chiều cao trung bình của đội tuyển BĐN Nhật Bản chỉ nâng lên được 2cm. Sớm xác định và chấp nhận thua kém về sức vóc, bộ phận nghiên cứu của JFA (Technical Study Group - TSG) đã xác định cầu thủ Nhật trội hơn về kỹ thuật, nên họ tập trung đầu tư rồi khai thác tối đa yếu tố này.
Nếu như bóng đá phương Tây xem trọng tính sáng tạo, bản sắc riêng của từng cá nhân, câu lạc bộ, học viện bóng đá trẻ thì người Nhật đi theo hướng riêng: tất cả huấn luyện viên đào tạo trẻ trên khắp Nhật Bản phải tuân theo một quy trình cố định. TSG có trách nhiệm báo cáo, phân tích xu hướng, chiến thuật, chiến lược, hệ thống, quy trình đào tạo bóng đá trẻ của thế giới rồi xây dựng cách riêng phù hợp với điều kiện, con người Nhật Bản.
Đó là nguyên nhân khiến các nữ cầu thủ Nhật Bản gần như ngang nhau về kỹ thuật cùng tinh thần chiến đấu của chiến binh. Với người Nhật, kỹ thuật và sức bền là 2 yếu tố trọng tâm khi đào tạo và mọi người luôn khắc ghi: muốn đạt đến tầm thế giới thì phải nỗ lực hơn thế giới.
Quan tâm đặc biệt bóng đá học đường
Một ưu điểm nữa của Nhật Bản là phát triển toàn diện bóng đá học đường. Không ít cầu thủ nam, nữ Nhật tốt nghiệp đại học. Điều này tác động rất tích cực đến sự nghiệp của họ. Bóng đá học đường không nhằm huấn luyện nhân tài từ nhỏ mà nhằm rèn luyện sức khỏe và giải trí cho sinh viên, học sinh trong quá trình học tập. Chính môi trường này đã giúp các sinh viên, học sinh có tài năng và đam mê tiếp tục con đường thể thao khi lên các cấp học cao hơn.
Ở mỗi cấp bậc, các trường của Nhật Bản đều có những đội thể thao để thi đấu với nhau, và khi được vào các đội tuyển ở bậc đại học thì các sinh viên không chỉ có học bổng mà còn có cơ hội trở thành vận động viên nhà nghề hay thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Thể thao Nhật Bản nói chung và BĐN Nhật Bản nói riêng đã phát triển nhanh và vươn tầm thế giới từ chiến lược phát triển toàn diện. Họ không xem thể thao là thứ xa xỉ trong hệ thống giáo dục và họ không để lợi ích to lớn mà thể thao đem lại cho sinh viên, học sinh bị rơi vào quên lãng.
***
Lần đầu dự World Cup 1991, đội tuyển BĐN Nhật Bản là đội châu Á đầu tiên bị loại sau khi thua cả ba trận và không ghi được bàn nào. Vậy mà 4 năm sau, tại World Cup 1995, đội nữ Nhật Bản đã vào đến tứ kết rồi vô địch World Cup 2011, á quân World Cup 2015. Thế nhưng, sau khi bị loại ở vòng 1/16 tại World Cup 2019, JFA quyết định tái cấu trúc hệ thống BĐN quốc gia khi cho ra đời giải bóng đá chuyên nghiệp với tên gọi WE League.
Tất nhiên, Việt Nam không thể như Nhật Bản. Nhưng, với những gì mà người Nhật đã làm để đưa BĐN đi lên từ thất bại ở World Cup 1991, Việt Nam có thể học hỏi. Muốn BĐN Việt Nam vươn lên tầm thế giới, chắc chắn còn rất nhiều điều cần làm và phải làm sau World Cup 2023.
Đặng Hoàng
Chia sẻ bài viết: |
Ngày 22/12, hơn 9.000 người đã hội tụ về Cần Thơ để tham gia giải Marathon Quốc tế Di sản Cần Thơ 2024.
Xương máu của cha ông đã đổ xuống suốt hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã trở nên lấp lánh tại đây: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Sáng 22/12, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức lăn bánh.
2024 là năm thứ mười Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Hiệp 1 Myanmar được cột dọc cứu thua 2 lần. Hiệp 2 Việt Nam ghi được 5 bàn thắng nhờ công của Xuân Son, Vĩ Hào, Quang Hải, Tiến Linh.
Chiều 21/12, lễ trao giải Cuộc thi “Lan tỏa năng lượng tích cực” lần 5 đã diễn ra tại TPHCM.
Ngày 21/12, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phá thành công chuyên án, bắt khẩn cấp một đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ban An toàn giao thông TPHCM vừa phát hành Cẩm nang hướng dẫn sử dụng metro số 1.
Ngày 21/12, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang.
Chiều 21/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đang điều tra vụ 2 thiếu niên 13 tuổi giết người trên địa bàn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tới thăm hỏi, động viên và chia buồn với 2 người tử vong, 12 người bị thương trong vụ hỏa hoạn ở quận Tân Bình.
Các đối tượng chế tạo khoang bí mật trên xe bán tải để vận chuyển vảy tê tê nhằm qua mặt công an.
Công an TP Hà Nội tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (tức Mr. Pips) cầm đầu.
Dù có theo binh nghiệp hay không, con cháu các gia đình từng tham gia kháng chiến luôn tự hào truyền thống đấu tranh vì tự do, độc lập của ông cha...
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát động cuộc thi tìm kiếm nhà sáng tạo nội dung với chủ đề "Chạm đến tương lai cùng metro".
Công an TP Hà Nội phối hợp với Interpol ra quyết định truy nã quốc tế Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ trong vụ án lừa đảo đầu tư chứng khoán.
Từ năm 2025, công an các đơn vị địa phương sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe lần đầu hoàn toàn trực tuyến...
Chiều 20/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội 5 dự án đầu tư ở TPHCM.