WHO: "COVID-19 còn nhanh chân hơn các liều vắc xin G7 đã cam kết"

15/06/2021 - 20:47

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 14/6 cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 đang di chuyển nhanh hơn việc phân phối vắc xin và cho biết cam kết của G7 chia sẻ một tỷ liều vắc xin với các nước nghèo đơn giản là không đủ.

WHO cảnh báo virus nhanh chân hơn các liều vắc-xin các nước G7 đã cam kết - Ảnh: AFP
WHO cảnh báo virus nhanh chân hơn các liều vắc xin các nước G7 đã cam kết - Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu cũng cảnh báo cam kết của G7 là quá ít, quá muộn, trong khi thế giới đang cần đến hơn 11 tỷ liều vắc xin.

Đáp lại sự phẫn nộ về bất bình đẳng trong tiêm chủng, nhóm G7 đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua ở Anh rằng họ sẽ đưa tổng số liều vắc xin cung cấp lên hơn một tỷ liều - tăng từ mức 130 triệu liều đã hứa hồi tháng Hai năm nay.

"Tôi hoan nghênh việc các nước G7 thông báo sẽ tài trợ thêm 870 triệu liều vắc xin, chủ yếu thông qua tổ chức COVAX", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ với báo giới và nhấn mạnh: “Đây là một sự trợ giúp lớn, nhưng chúng ta cần nhiều hơn, và chúng ta cần (vắc xin) nhanh hơn. Hiện tại, virus đang di chuyển nhanh hơn so với việc phân phối vắc xin trên toàn cầu”.

“Hơn 10 ngàn người đang chết mỗi ngày, những cộng đồng này cần vắc xin, và họ cần ngay bây giờ chứ không phải năm sau”, ông Tedros nói.

Trong khi người dân ở nhiều nước giàu đang tận hưởng cảm giác cuộc sống bình thường trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, các liều vắc xin vẫn khan hiếm ở những khu vực khó khăn hơn trên thế giới.

Về lượng vắc xin được tiêm, sự mất cân bằng giữa khối G7 và các nước thu nhập thấp, theo xác định của Ngân hàng Thế giới (WB), là 73/1.

Nhiều liều vắc xin được G7 hiến tặng sẽ được sàng lọc thông qua COVAX, một tổ chức toàn cầu chịu trách nhiệm đảm bảo việc phân phối vắc xin công bằng. Được điều hành bởi WHO, Liên minh vắc xin Gavi và CEPI (Liên minh đổi mới chuẩn bị ứng phó dịch bệnh), cho đến nay, tổ chức này đã giao hơn 87 triệu liều vắc xin cho 131 quốc gia - ít hơn nhiều so với dự đoán.

Mục tiêu 70%

WHO muốn ít nhất 70% dân số thế giới sẽ được tiêm chủng vào cuộc họp tiếp theo của G7 ở Đức vào năm tới. "Để làm được điều đó, chúng tôi cần 11 tỷ liều. G7 và G20 có thể biến điều này thành hiện thực", ông Tedros nói.

Tổ chức từ thiện bác sĩ không biên giới (MSF) đã đặt câu hỏi về mức độ chân thành của G7 trong việc theo đuổi công bằng vắc xin COVID-19. Ông Hu Yuanqiong thuộc MSF nói với AFP: “Chúng ta cần thấy rõ hơn về số liều thực tế được hiến tặng và chính xác sẽ mất bao lâu để biến những cam kết của họ thành tác động và khả năng tiếp cận thực sự”.

Ngoài việc chia sẻ vắc xin, kế hoạch chống COVID-19 của G7 bao gồm các cam kết ngăn chặn đại dịch trong tương lai: giảm thời gian xử lý và cấp phép vắc xin xuống dưới 100 ngày, tăng cường giám sát toàn cầu và củng cố WHO.

Tuy nhiên, Ilona Kickbusch, Giám đốc sáng lập và Chủ tịch của Trung tâm y tế toàn cầu ở Geneva (Thụy Sĩ), đã viết trên twitter: “Tôi sẽ chỉ tin vào điểm đó (củng cố WHO), nếu những đóng góp cho WHO được tăng lên”.

Kêu gọi tài trợ 16 tỷ USD

Những người khác nhấn mạnh cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề bảo hộ bằng sáng chế vắc xin COVID-19 để thúc đẩy sản xuất.

Các cuộc đàm phán chính thức về việc có thể đình chỉ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin, cũng như các công cụ y tế khác cần thiết để chống đại dịch, mới bắt đầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau nhiều tháng tranh luận gay gắt.

"Các nhà lãnh đạo G7 nói rằng họ muốn tiêm chủng cho thế giới vào cuối năm tới, nhưng hành động của họ cho thấy họ quan tâm hơn đến việc bảo vệ độc quyền và bằng sáng chế của những gã khổng lồ dược phẩm", Max Lawson, người đứng đầu bộ phận giám sát chính sách của Oxfam, phàn nàn.

WHO và các đối tác cũng nhấn mạnh sự cần thiết về kinh phí để vượt qua đại dịch. Vẫn cần hơn 16 tỷ USD (13,2 tỷ euro) trong năm nay để tài trợ đầy đủ cho các nỗ lực tăng tốc sản xuất và tiếp cận với các chẩn đoán, phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19. Giám đốc bộ phận khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, chỉ ra rằng con số đó chỉ chiếm chưa đến 1% chi tiêu quốc phòng toàn cầu hàng năm.

Ông Ryan nhấn mạnh: "Chắc chắn chúng ta có thể dành 1% (chi tiêu quốc phòng) để cứu sống con người và chấm dứt đại dịch".

Thanh Hiền (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI