WHO: Vắc xin đã cứu ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua

25/04/2024 - 06:33

PNO - Ngày 24/4, Tỗ chức y tế thế giới (WHO) cho biết những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu được ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua, đồng thời nói thêm trẻ sơ sinh là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Vắc xin giúp tỷ lệ sống sót ở trẻ sơ sinh cao hơn 40%

Ngày 24/4, WHO cho biết những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu được ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua, đồng thời nói thêm trẻ sơ sinh là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Lancet, WHO đã đưa ra một phân tích toàn diện về tác động của 14 loại vắc xin, được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI).

14 loại vắc xin gồm bạch hầu; Haemophilus cúm loại B; viêm gan B; viêm não Nhật Bản; sởi; viêm màng não A; ho gà; bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn; bại liệt; rotavirus; rubella; uốn ván; lao và sốt vàng da.

Vắc xin đã cứu sống ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua - Ảnh: Internet
Vắc xin đã cứu sống ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua - Ảnh: Internet

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh nhờ những loại vắc xin này, một đứa trẻ sinh ra ngày nay có khả năng sống sót cao hơn 40% so với một đứa trẻ sinh ra cách đây 50 năm.

Ông nói: “Vắc xin là một trong những phát minh lớn nhất trong lịch sử, giúp ngăn ngừa những căn bệnh đáng sợ một thời. Bệnh đậu mùa đã bị loại trừ, bệnh bại liệt đang dần được loại bỏ. Cùng với sự phát triển gần đây của các vắc xin chống lại các bệnh như sốt rét và ung thư cổ tử cung, chúng ta đang đẩy lùi ranh giới của bệnh tật”.

Nghiên cứu cho biết 101 triệu trẻ sơ sinh được cứu nhờ tiêm chủng trong 5 thập kỷ qua. Đối với châu Phi, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm hơn 50% nhờ vắc xin.

WHO cho rằng những thành tựu về khả năng sống sót cao ở trẻ em cho thấy tầm quan trọng của việc cần bảo vệ tiến bộ về tiêm chủng. Tổ chức nhấn mạnh cần nỗ lực tăng tốc để bù đắp việc 67 triệu trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm chủng trong đại dịch COVID-19.

WHO cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), liên minh vắc xin Gavi và Quỹ Bill & Melinda Gates, ngày 24/4, cũng vừa phát động một chiến dịch nhằm mục đích mở rộng các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới.

Mối đe dọa thông tin sai lệch

Dẫu đang có những tiến bộ đáng kể nhằm bao phủ vắc xin rộng rãi hơn nhưng WHO cũng chỉ ra những mối đe dọa tiềm ẩn, cụ thể là phong trào chống vắc xin và các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội. Điều này được nhận thấy rõ ràng trong đại dịch COVID-19, và dịch bệnh này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực ngăn chặn dịch sởi bùng phát.

Một nữ sinh được tiêm vắc xin sởi tại một trường học ở Iraq - Ảnh: AFP
Một nữ sinh được tiêm vắc xin sởi tại một trường học ở Iraq - Ảnh: AFP

Bà Kate O'Brien, giám đốc phụ trách vắc xin của WHO cho biết: “Đã có sự thụt lùi rất đáng kể trong việc sử dụng vắc xin sởi và phạm vi bao phủ ở các nước trên thế giới và điều đó dẫn đến bùng phát dịch bệnh”.

Vào năm 2022, năm cuối cùng có số liệu thống kê rõ ràng, hơn 9 triệu ca mắc sởi đã được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có 136.000 trẻ em tử vong.

Giáo sư O'Brien cho biết việc thiếu khả năng tiếp cận vắc xin là mối lo ngại lớn, nhưng một phần nguyên nhân tụt hậu là do “thông tin sai lệch và các phong trào chống vắc xin”.

Bà nói thêm: “Vắc xin sởi là một loại vắc xin an toàn và có hiệu quả cao, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chống lại một trong những loại vi rút có khả năng lây nhiễm mạnh nhất lây nhiễm sang người”.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI