WHO: Ưu tiên cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo chứ không phải lợi nhuận

05/11/2021 - 07:07

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin ưu tiên cung cấp các mũi tiêm cho các nước có thu nhập thấp và nói rằng không nên cung cấp thêm liều cho các nước có tỷ lệ bao phủ hơn 40%.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng không nên sử dụng mũi tiêm tăng cường đại trà, ngoại trừ cho đối tượng là những người bị suy giảm miễn dịch.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin đã có trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO ưu tiên cho COVAX chứ không phải lợi nhuận của cổ đông” - ông Tedros chia sẻ.

Ông nói thêm, việc WHO cấp phép Covaxin của nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Bharat Biotech vào ngày 3/11 cũng với mong muốn góp phần giảm bớt sự bất bình đẳng về vấn đề phân phối vắc xin.

Tỷ lệ dân số tại châu Phi được tiêm chủng đầy đủ ở mức rất thấp.
WHO quan ngại khi tỷ lệ dân số tại châu Phi được tiêm chủng đầy đủ ở mức rất thấp

Trong khi hơn 60% dân số ở các nước có nền kinh tế phát triển được tiêm chủng đầy đủ thì tại châu Phi, tỷ lệ này ghi nhận ở mức rất thấp. Trong số 6,4 tỷ liều vắc xin được sử dụng trên toàn cầu, chỉ 2,5% được tiêm ở châu Phi - mặc dù châu lục này chiếm hơn 17% dân số thế giới.

Cho đến nay, dưới 2% người dân sống ở các nước thu nhập thấp của châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ, đối với các nước có thu nhập trung bình thấp, con số này là dưới 10%. 

Tỷ lệ tiêm chủng thấp đang đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phục hồi của châu Phi cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh chỉ ra sự bất bình đẳng trong việc phân phối mũi tiêm và kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin tăng cường cung cấp liều lượng cho các nước có thu nhập thấp, WHO cũng đưa ra những quan ngại sâu sắc khi châu Âu đang trở thành điểmo nóng của dịch COVID-19.

Theo Reuters, trong tuần qua, châu Âu đã báo cáo thêm gần 1,8 triệu ca nhiễm mới, tăng 6% so với 1 tuần trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 tại đây cũng tăng 12% trong cùng giai đoạn.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge cho biết, tất cả 53 quốc gia trong khu vực đang đối mặt với mối đe dọa thực sự về sự hồi sinh của COVID-19 và kêu gọi các chính phủ áp dụng lại hoặc tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Căn cứ vào tốc độ lây lan và tình tình dịch phức tạp, mô hình dự đoán ước tính châu Âu sẽ có thêm 500.000 ca tử vong vì COVID-19 từ nay đến tháng 2/2022.

Minh Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI