WHO: Triển khai rộng rãi vắc xin sốt rét đầu tiên trên thế giới là “thời khắc lịch sử”

07/10/2021 - 06:31

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vắc xin sốt rét đầu tiên trên thế giới nên được tiêm rộng rãi cho trẻ em châu Phi. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn chống lại căn bệnh giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Mới đây, nhóm chuyên gia cố vấn của WHO đã đề xuất tiêm chủng vắc xin sốt rét Mosquirix cho trẻ em châu Phi và nhận được sự ủng hộ lớn.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết: “Khuyến nghị hôm nay mang lại hy vọng cho châu Phi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của căn bệnh này. Và chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều trẻ em châu Phi được bảo vệ khỏi bệnh sốt rét và trưởng thành khỏe mạnh”.

WHO ủng hộ việc triển khai vắc xin sốt rét cho trẻ em châu Phi.
WHO ủng hộ việc triển khai vắc xin sốt rét cho trẻ em châu Phi

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là “thời khắc lịch sử”, đồng thời nhấn mạnh sử dụng vắc xin này cùng với các công cụ hiện có để ngăn ngừa bệnh sốt rét có thể cứu sống hàng chục ngàn trẻ em mỗi năm.

Vắc xin Mosquirix được phát triển bởi GlaxoSmithKline vào năm 1987. Dù là vắc xin đầu tiên được cấp phép, nhưng nó phải đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ có hiệu quả khoảng 30%, cần đến 4 liều và sau vài tháng sẽ mất dần khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vắc xin có thể có tác động lớn chống lại bệnh sốt rét ở châu Phi, nơi có hơn 200 triệu ca bệnh và 400.000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

Kể từ năm 2019, đã có 2,3 triệu liều Mosquirix được sử dụng cho trẻ sơ sinh ở Ghana, Kenya và Malawi trong một chương trình thử nghiệm quy mô lớn do WHO điều phối. Chương trình đó theo sau một thập kỷ thử nghiệm lâm sàng tại 7 quốc gia ở châu Phi.

WHO cho biết quyết định đề xuất tiêm chủng vắc xin sốt rét Mosquirix cho trẻ em của họ phần lớn dựa trên kết quả từ nghiên cứu đang diễn ra ở Ghana, Kenya và Malawi, với hơn 800.000 trẻ em đã được chủng ngừa.

Julian Rayner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Cambridge, người không nằm trong ban cố vấn của WHO, cho biết: “Đây là một bước tiến rất lớn. Đây là một loại vắc xin không hoàn hảo nhưng nó sẽ ngăn hàng trăm ngàn ca trẻ em tử vong”.

WHO cho biết, các tác dụng phụ của vắc xin rất hiếm gặp, Cơ quan quản lý thuốc của Liên minh châu Âu cũng đã phê duyệt vắc xin Mosquirix vào năm 2015 khi cho rằng lợi ích của nó lớn hơn nhiều so với rủi ro.

Thu Hương (theo AP và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI