WHO: Tích trữ vắc-xin và bản quyền sở hữu trí tuệ đe dọa nguồn cung toàn cầu

27/02/2021 - 06:58

PNO - Các quốc gia phát triển đã tìm kiếm hàng trăm triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua thỏa thuận với các công ty dược phẩm, đe dọa nguồn cung cấp cho chương trình COVAX.

Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward phát biểu tại một cuộc họp báo: “Hiện nay, một số quốc gia vẫn đang theo đuổi các thỏa thuận, sẽ làm tổn hại đến nguồn cung cấp COVAX”.

Kế hoạch phân phối vắc-xin COVID-19 của chương trình COVAX bị chậm khai triển do thiếu hụt nguồn cung.
Kế hoạch phân phối vắc-xin COVID-19 của chương trình COVAX bị chậm khai triển do thiếu hụt nguồn cung

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã kêu gọi các nước giàu đảm bảo vắc-xin được tiếp cận công bằng. WHO là một trong những nhà lãnh đạo kế hoạch COVAX, nhằm cung cấp 1,3 tỷ liều vắc-xin cho các nước nghèo và thu nhập trung bình trong năm 2021. Nhưng cho đến nay, COVAX bị triển khai với tốc độ chậm vì thiếu hụt nguồn cung.

“Chúng ta không thể đánh bại COVID-19 nếu không có vắc-xin. Thế giới của chúng ta sẽ không phục hồi nhanh chóng nếu không có sự công bằng về nguồn cung vắc-xin” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Ông nhấn mạnh thêm đã có những những tiến bộ vượt bậc về việc phân phối vắc-xin nhưng sự tiến bộ đó rất mong manh. Các quốc gia cần chung tay để đẩy nhanh việc cung cấp và phân phối vắc-xin COVID-19.

“Chúng tôi không thể đạt được mục tiêu đó nếu một số quốc gia tiếp tục tiếp cận các nhà sản xuất vắc-xin mà COVAX đang tin tưởng. Những hành động này làm suy yếu COVAX và tước đi vắc-xin của các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới” - Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết.

Ông Tedros cũng kêu gọi các quốc gia từ bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ về vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19, để cho phép các nước khác sản xuất vắc-xin nhanh chóng hơn. "Nếu không phải bây giờ, thì khi nào? - ông hỏi.

Ý tưởng tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trên dự kiến sẽ lại được đưa ra vào tuần tới, trong cuộc họp của các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước đó, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối của các nước giàu có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển.

Theo Reuters, Tổng giám đốc WTO sắp tới, bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria cho biết ưu tiên hàng đầu của bà là đảm bảo cơ quan thương mại làm nhiều hơn nữa để giải quyết đại dịch COVID-19, gọi sự chênh lệch về tỷ lệ vắc-xin giữa người giàu và người nghèo là "vô lương tâm".

Minh Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI