WHO thất vọng khi Trung Quốc chưa cấp phép cho các chuyên gia nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19

06/01/2021 - 07:06

PNO - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesu cho biết "rất thất vọng" khi Trung Quốc vẫn chưa cho phép một nhóm chuyên gia quốc tế nhập cảnh để kiểm tra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

“Hôm nay, chúng tôi được biết rằng các quan chức Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất các thủ tục, quyền cần thiết cho nhóm nghiên cứu quốc tế đến Trung Quốc. Tôi đã tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc và một lần nữa tôi đã nói rõ rằng nhiệm vụ nghiên cứu là ưu tiên của WHO” - ông Tedros phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva.

 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham dự phiên thảo luận về phản ứng bùng phát bệnh do coronavirus (COVID-19)
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros tham dự phiên thảo luận về phản ứng bùng phát dịch COVID-19 ngày 5/1

Các thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế đã lên đường đến Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 lần đầu tiên được báo cáo tại thành phố Vũ Hán, trong 24 giờ qua và dự kiến bắt đầu làm việc vào ngày 6/1.

Trung Quốc đã phủ nhận việc cố gắng che đậy mối liên quan của họ với đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt câu hỏi nghi ngờ về hành động của Bắc Kinh trong thời gian dịch bùng phát.

Mike Ryan - người đứng đầu các trường hợp khẩn cấp của WHO - cho biết sau vụ việc: “Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng đó chỉ là vấn đề hậu cần có thể được giải quyết nhanh chóng. Tin rằng với thiện chí chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề này trong những giờ tới”.

Gần 128.000 trẻ em Mỹ mắc COVID-19 trong 1 tuần

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết gần 128.000 trẻ em được chẩn đoán nhiễm virus từ ngày 24 đến 31/12/2020.

AAP lưu ý rằng trong khoảng thời gian hai tuần - từ ngày 17 đến 31/12/2020 - đã có sự gia tăng 17% trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em, nâng tổng số trẻ nhiễm virus hiện tại lên hơn 2,13 triệu. Trẻ em chiếm hơn 12% tổng số ca mắc COVID-19 ở các tiểu bang được báo cáo theo độ tuổi.

Diễn biến bệnh nặng do dịch bệnh gây ra vẫn còn tương đối hiếm ở trẻ em. Ở mỗi tiểu bang, từ 0,2-3,4% tổng số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện và chiếm 0,19% tổng số ca tử vong. 13 tiểu bang báo cáo không có trẻ em tử vong trong khoảng thời gian này. 

AAP cho biết vẫn cần thu thập thêm dữ liệu về tác động lâu dài của đại dịch đối với trẻ em, bao gồm cả cách dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe về thể chất và tinh thần. 

Đức gia hạn lệnh phong tỏa và thắt chặt các hạn chế

Chính phủ Đức thông báo sẽ kéo dài thời gian phong tỏa quốc gia - vốn được áp dụng cho đến ngày 10/1 - cho đến cuối tháng. Đồng thời, Đức cũng sẽ thắt chặt hơn nữa các hạn chế về di chuyển và tiếp xúc của người dân để ngăn chặn sự lây lan của virus.

"Chúng tôi sẽ phải tăng cường các biện pháp" - Thủ tướng Angela Merkel nói sau cuộc họp với 16 nhà lãnh đạo khu vực của Đức tại Berlin. Bà cảnh báo rằng các bệnh viện trên toàn quốc đã quá tải, đặc biệt là ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Đức thắt chặt các biện pháp hạn chế trong dịch COVID-19.
Đức thắt chặt các biện pháp hạn chế trong dịch COVID-19

Theo các biện pháp mới, tất cả cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, trường học đều đóng cửa cho đến ngày 31/1. Công dân sẽ chỉ được phép gặp một người khác bên ngoài gia đình của họ.

Ngoài ra, những du khách trở về Đức từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải xét nghiệm COVID-19 đến hai lần và cách ly trong 5 ngày, ngay cả khi kết quả xét nghiệm đầu tiên của họ là âm tính. 

Thủ tướng Merkel cũng không quên nhắc vắc-xin COVID-19 mang lại "hy vọng trở lại cuộc sống bình thường". Theo Viện Robert Koch (RKI), 316.962 người dân Đức đã được tiêm chủng, chiếm khoảng 0,4% dân số cả nước.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI