WHO: Sốt xuất huyết sẽ là mối đe dọa lớn ở Mỹ, châu Âu và châu Phi trong thập kỷ này

07/10/2023 - 06:08

PNO - Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sốt xuất huyết sẽ trở thành mối đe dọa lớn ở miền nam Hoa Kỳ, miền nam châu Âu và các khu vực mới của châu Phi trong thập kỷ này, khi nhiệt độ ấm hơn tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh đến lây lan.

Mỗi năm có hơn 20.000 người chết vì sốt xuất huyết
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 20.000 người chết vì sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết từ lâu đã trở thành nỗi lo ở phần lớn châu Á và châu Mỹ Latinh. Mỗi năm, trên thế giới có đến 20.000 ca tử vong do căn bệnh này. Tỉ lệ mắc bệnh cũng đã tăng gấp 8 lần trên toàn cầu kể từ năm 2000, chủ yếu do biến đổi khí hậu cũng như tình trạng đô thị hóa khiến khí hậu ấm lên, muỗi phát triển và ngày càng nguy hiểm hơn.

Vào năm 2022, đã có 4,2 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết được báo cáo trên toàn thế giới. Các quan chức y tế cảnh báo, mức độ lây truyền sốt xuất huyết có thể lên đến kỷ lục trong năm nay. Hiện tại, Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, với hơn 1.000 người chết vì sốt xuất huyết.

Ông Jeremy Farrar - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO - cho biết: “Chúng ta cần chuẩn bị để đối phó khi dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở rất nhiều thành phố lớn".

Trước đây, ông Farrar đã có 18 năm làm việc tại Việt Nam, phụ trách về các bệnh nhiệt đới, trong đó có sốt xuất huyết. Sau đó, ông trở thành người đứng đầu tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Wellcome Trust và tư vấn cho chính phủ Anh về cách ứng phó với dịch COVID-19 trước khi gia nhập WHO vào tháng 5 năm nay.

Ông cho biết sốt xuất huyết có khả năng "bùng phát" và trở thành dịch bệnh đặc hữu ở các vùng của Hoa Kỳ, châu Âu và châu Phi vì sự nóng lên toàn cầu khiến các khu vực này trở nên "thân thiện" với muỗi truyền bệnh. Ông cảnh báo điều này sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống bệnh viện ở nhiều nước. 

Hầu hết những người mắc sốt xuất huyết đều không có triệu chứng, nghĩa là tỉ lệ ca bệnh được cho là cao hơn nhiều so với con số được báo cáo. Những người mắc bệnh này có thể bị sốt, co thắt cơ và đau khớp nghiêm trọng và có thể tử vong.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết, mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh. Đầu tuần này, WHO đã khuyến nghị vắc xin Qdenga của Takeda Pharmaceuticals cho trẻ em từ 6 - 16 tuổi. Qdenga cũng được cơ quan quản lý EU chấp thuận.

Theo ông Farrar, để đối phó với bệnh sốt xuất huyết, các chính phủ cần có quỹ dự phòng cho tình trạng cấp bách, cần tiêu diệt và kiểm soát sự sinh sôi của muỗi - thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết.

Thảo Nguyễn (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI