WHO phản đối hộ chiếu vắc-xin, ngay cả khi dùng đi du lịch quốc tế

07/04/2021 - 10:17

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6/4 cho biết mọi người không cần phải chứng minh họ đã được tiêm vắc-xin COVID-19 khi đi du lịch nước ngoài, đồng thời cảnh báo “giấy thông hành vắc-xin” sẽ đào thêm hố sâu ngăn cách giữa các nước nghèo với phần còn lại của thế giới.

Tiến sĩ Mike Ryan – Giám đốc chương trình khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của WHO - cho biết điều quan trọng là ghi nhận một người đã được tiêm chủng, nhưng nếu sử dụng thông tin đó để “cho phép” hay “cấm đoán” một cá nhân tham gia vào cuộc sống thường xuyên sẽ làm nảy sinh các vấn đề phức tạp, cả về đạo đức.

WHO cho biết mọi người không cần phải chứng minh họ đã được tiêm phòng trước khi có thể đi du lịch quốc tế - Ảnh: Andrew Quilty
WHO cho biết mọi người không cần phải chứng minh họ đã được tiêm phòng trước khi có thể đi du lịch quốc tế - Ảnh: Andrew Quilty

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), tiến sĩ Ryan nói: "Đây là một vấn đề phức tạp, đồng thời là một vấn đề đạo đức liên quan đến công bằng, trong khi chúng ta đã có vấn đề lớn về công bằng vắc-xin trên thế giới". Ông nhấn mạnh, “việc áp đặt yêu cầu chứng nhận tiêm chủng trước khi đi du lịch có thể tạo ra thêm một tầng thiếu công bằng nữa”.

Tiến sĩ Ryan lập luận: “Nếu bạn không được tiếp cận vắc-xin trong đất nước của mình thì bạn sẽ trở nên bị cô lập khi hộ chiếu vắc-xin được triển khai, vì vậy, có rất nhiều, rất nhiều vấn đề”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ryan cho biết các quan chức của WHO chỉ khuyến cáo tạm thời chống hộ chiếu vắc-xin để đi du lịch quốc tế. Tổ chức sẽ xem xét lại vấn đề này tại cuộc họp vào ngày 15/4 sắp tới. Ông cho biết một nhóm quan chức WHO sẽ kiểm tra dữ liệu đạo đức, xã hội và khoa học liên quan đến hộ chiếu vắc-xin.

Nước Úc bắt đầu chuẩn bị ban hành hộ chiếu vắc-xin quốc tế, nhưng không trở thành điều kiện bắt buộc khi hành trình miễn kiểm dịch giữa Úc và New Zealand, dự kiến được nối lại vào ngày 18/4 do hai nước đã khống chế được các ca nhiễm COVID-19.

Alan Joyce - Giám đốc điều hành Qantas - trước đây cho biết hãng hàng không Úc sẽ lưu ý việc tiêm chủng như một điều kiện để lên máy bay và yêu cầu đó có thể được đưa vào các điều khoản và điều kiện của công ty khi đặt vé. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào thời điểm đó cho biết quan điểm tiêm chủng bắt buộc của Qantas là “quá sớm”. IATA phát triển một ứng dụng dùng thử hoặc thông hành y tế kỹ thuật số để lưu trữ hồ sơ tiêm chủng và xét nghiệm đã được xác minh của hành khách.

Cả Mỹ và Anh đều cho biết họ sẽ không yêu cầu tiêm chủng như là điều kiện bắt buộc.

Hộ chiếu vắc-xin đang được triển khai trong cộng đồng EU - Ảnh: Getty Images
Hộ chiếu vắc-xin đang được triển khai trong cộng đồng EU - Ảnh: Getty Images

Một cuộc tranh luận nảy lửa về hộ chiếu vắc-xin đang diễn ra ở Anh Quốc, khi ba trong số năm người trưởng thành nước này đã được tiêm vắc-xin, khiến các ca nhiễm COVID-19 và các ca tử vong ở Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết người dân Anh có thể được yêu cầu xuất trình “bằng chứng miễn nhiễm” với COVID-19, như tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính, để được phép tham dự các sự kiện đông người, và nền kinh tế Anh đến tháng Bảy sẽ được mở cửa trở lại hoàn toàn.

Tuy nhiên, phe Công đảng đối lập và ít nhất 41 nghị sĩ của ông Johnson, nói rằng việc yêu cầu một người xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng để tiến hành các hoạt động thường xuyên như đi đến cửa hàng sẽ "không giống với người Anh". Steve Baker - một người ủng hộ đảng Bảo thủ, người đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại hộ chiếu vắc-xin - cho biết một kế hoạch như vậy sẽ khiến người ta “không thể nhận ra” nước Anh, cũng như phân biệt đối xử với những người không thể tiêm chủng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và người tàn tật.

Vấn đề chứng chỉ vắc-xin cũng đang chia rẽ người Mỹ. Một số thành viên đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ hộ chiếu vắc-xin, trong khi một số thành viên Dân chủ ủng hộ chúng như một công cụ để cho phép nối lại các cuộc tụ tập đông người. New York là tiểu bang đầu tiên chính thức ra mắt ứng dụng hộ chiếu vắc-xin, trong khi Texas và Florida đã cấm loại giấy tờ này.

Chính quyền Biden không ủng hộ việc ban hành hộ chiếu vắc-xin quốc gia và cho biết đây sẽ là vấn đề của các tiểu bang.

Hoàng Diệu (theo Sydney Morning Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI