WHO lo ngại nguy cơ cúm gia cầm lây sang người

19/04/2024 - 10:25

PNO - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm gia cầm A(H5N1) đang trở thành đại dịch động vật toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu mặc bộ đồ bảo hộ thu thập các mẫu động vật hoang dã nơi virus cúm gia cầm H5N1 được phát hiện ở Lãnh thổ Nam Cực của Chile vào tháng trước. Ảnh: Instituto Antartico Chileno/Reuters
Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu động vật hoang dã nhiễm cúm gia cầm ở lãnh thổ Nam Cực của Chile hồi tháng Ba - Ảnh: Reuters

Sau khi lây lan trong gia cầm rồi lan sang động vật có vú, đến nay, cúm gia cầm đang tiến hóa và phát triển khả năng để lây từ động vật sang con người.

Tiến sĩ Jeremy Farrar của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết vi rút cúm gia cầm gây ra tỉ lệ tử vong vô cùng cao trong số những bệnh nhân đã nhiễm nó cho đến nay.

Tháng trước, WHO cho biết, bò và dê đã bị nhiễm chủng cúm này. Hồi tháng Tư, Mỹ báo cáo một trường hợp ở Texas nhiễm cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa.

Tiến sĩ Farrar cho biết biến thể A(H5N1) đã trở thành “đại dịch có nguồn gốc từ động vật trên toàn cầu”.

Cho đến nay, chưa có trường hợp lây truyền A(H5N1) từ người sang người được ghi nhận. Tuy nhiên, tiến sĩ Jeremy Farrar cho biết: "Ban đầu vi rút cúm này chủ yếu lây nhiễm trên gia cầm, rồi trở thành đại dịch lây truyền từ động vật sang động vật toàn cầu. Hiện nay, vi rút đã tiến hóa và phát triển khả năng lây nhiễm cho con người, nguy hiểm hơn là khả năng lây truyền từ người sang người".

Theo WHO, từ năm 2003 đến năm 2024, đã có 889 ca nhiễm và 463 ca tử vong do chủng cúm A (H5N1) gây ra được báo cáo trên từ 23 quốc gia, tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh lên đến 52%.

Tiến sĩ Farrar cảnh báo, khi vi rút tiến gần vào quần thể động vật có vú, thì nó sẽ tiến gần hơn đến con người, chúng chỉ đang tìm kiếm vật chủ mới.

"Quan trọng là phải hiểu đã có bao nhiêu ca lây nhiễm ở người đang xảy ra. Bởi vì đó là nơi vi rút sẽ tiếp tục lây lan. Ví dụ, nếu tôi bị nhiễm vi rút và chết thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Nhưng nếu tôi bị nhiễm vi rút mà lại đi khắp cộng đồng thì bệnh sẽ lây cho người khác và điều này sẽ bắt đầu chu kỳ dịch bệnh thảm khốc" - tiến sĩ Farrar nói.

Ông cho biết, vẫn đang nghiên cứu phát triển vắc xin cũng như phương pháp điều trị H5N1. Đồng thời nhấn mạnh rằng, các cơ quan y tế khu vực và quốc gia trên toàn thế giới cần phải có có năng lực chẩn đoán vi rút, để nếu H5N1 lây truyền từ người sang người thì thế giới sẽ có thể phản ứng ngay lập tức

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI