WHO khuyến nghị tăng cường xét nghiệm COVID-19, Đức dự kiến có vắc-xin vào đầu năm 2021

28/08/2020 - 07:43

PNO - Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết cần mở rộng xét nghiệm COVID-19 để truy tìm những người nhiễm bệnh không có triệu chứng và cả những trường hợp đã từng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính virus.

WHO khuyến nghị tăng cường xét nghiệm COVID-19

Tổ chúc Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường xét nghiệm COVID-19 nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường xét nghiệm COVID-19 nhằm kiểm soát dịch bệnh

Khuyến nghị này của WHO hoàn toàn ngược lại với hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa sửa đổi ngày 26/8, cho rằng những người đã tiếp xúc với các trường hợp mắc COVID-19 có thể không cần xét nghiệm virus nếu không xuất hiện các triệu chứng cụ thể.

Bà Van Kerkhove cho biết: “Những gì chúng tôi vạch ra là chiến lược nhằm chủ động tìm ra các trường hợp. Việc xét nghiệm nên cần được mở rộng để tìm kiếm những cá nhân nhiễm virus nhẹ hoặc những người bệnh thực sự không có triệu chứng."

Bà nhấn mạnh thêm điều quan trọng nhất là xét nghiệm được sử dụng như một cơ hội để xác định các trường hợp mắc COVID-19 để chủ động cách ly, đồng thời việc truy tìm F1, F2…giúp các cơ quan y tế khoanh vùng được số người đã tiếp xúc với bệnh nhân, từ đó phá vỡ các chuỗi lây truyền virus trong cộng đồng.

Đức dự kiến có vắc-xin COVID-19 vào đầu năm 2021

Ngày 27/8, trung tâm phòng chống dịch bệnh của Đức cho biết, các cơ quan y tế Đức hy vọng một hoặc nhiều loại vắc-xin COVID-19 mới sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2021.

“Dữ liệu hiện tại cho thấy một hoặc một số vắc xin COVID-19 dự kiến sẽ được chứng nhận, bắt đầu sản xuất và phân phối các liều đầu tiên vào năm 2021” - Viện Robert-Koch (RKI) thông tin trong bản tin dịch tễ học mới nhất của mình. 

Tuy nhiên, Viện cũng cảnh báo nguy cơ thiếu vắc-xin COVID-19 mới. “Dự kiến lúc đầu sẽ không có đủ vắc-xin cho toàn dân nên việc ưu tiên sẽ là cần thiết”, RKI nói thêm. 

Đức hiện có một số ứng cử viên vắc-xin COVID-19 trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau. Trong số đó, vắc-xin của BioNTech /Pfizer và CureVac, cả hai đều nhận được tài trợ đặc biệt từ chính phủ Đức để tăng tốc độ thử nghiệm và mở rộng năng lực sản xuất.

Anh mở rộng các hạn chế xã hội
Anh mở rộng các hạn chế xã hội khi số người mắc COVID-19 không ngừng tăng

Anh mở rộng các biện pháp hạn chế

Ngày 27/8, Vương quốc Anh đã báo cáo thêm 1.522 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ 12/6. Số bệnh nhân dương tính virus được xác nhận tăng từ 1.048 ca ngày 26/8 và 1.184 ca được công bố trong ngày 25/8. 

Trước tình hình dịch bệnh tái bùng phát nghiêm trọng, chính phủ Anh tuyên bố thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với một số chuyến du lịch nước ngoài. Anh đã loại bỏ Cộng hòa Séc, Jamaica và Thụy Sĩ khỏi danh sách các quốc gia "hành lang du lịch", đồng nghĩa với việc những người đến từ 3 nước này sẽ bị yêu cầu cách ly trong 14 ngày, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết. Trong khi đó, Anh đã thêm Cuba vào danh sách các quốc gia được miễn kiểm dịch 14 ngày.

Những hạn chế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 4 giờ sáng ngày 29/8 (theo giờ địa phương).

Anh hiện là nước có số người chết cao nhất châu Âu vì đại dịch, với hơn 41.000 ca tử vong, phần lớn là do không kiểm soát được sự lây lan của virus trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

Ngoài Anh, Pháp cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, buộc chính phủ yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên khắp Paris từ ngày 28/8.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI