WHO kêu gọi các nước không ngừng tiêm chủng vắc-xin COVID-19

16/03/2021 - 06:28

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia không tạm dừng các chiến dịch tiêm chủng, sau khi nhiều nước châu Âu và châu Á đình chỉ sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca vì lo ngại về an toàn.

WHO cho biết ban cố vấn của tổ chức đang xem xét các báo cáo liên quan đến việc tiêm chủng và sẽ công bố kết quả sớm nhất có thể. Đồng thời, WHO nói thêm không có khả năng thay đổi các khuyến nghị của họ được ban hành vào tháng trước, để sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca rộng rãi, bao gồm ở cả các quốc gia đang lưu hành biến thể virus mới từ Nam Phi.

Người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier, cho biết: “Cho đến ngày hôm nay, không có bằng chứng nào cho thấy các sự cố là do vắc-xin gây ra và điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn phải tiếp tục để chúng ta có thể cứu sống và ngăn chặn bệnh nặng của virus corona”.

WHO kêu gọi các nước không ngừng tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
WHO kêu gọi các nước không ngừng tiêm chủng vắc-xin COVID-19

Mới đây, Đức thông báo sẽ tạm dừng tiêm vắc-xin của AstraZeneca, theo khuyến nghị từ Viện Paul Ehrlich, cơ quan phụ trách vắc-xin của nước này.

Tương tự, Pháp và Ý cũng quyết định ngừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rõ sẽ ngưng sử dụng vắc-xin trong khi chờ cơ quan quản lý y tế của Liên minh châu Âu đánh giá vào hôm nay, 16/3. Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Draghi quyết định đình chỉ tiêm chủng sau cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế.  

Đan Mạch và Na Uy đã báo cáo các trường hợp xuất huyết, đông máu và số lượng tiểu cầu thấp sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Âu trì hoãn việc triển khai vắc-xin vào ngày 12/3 nhưng chính phủ nước này vừa thay đổi quyết định, cho biết sẽ bắt đầu sử dụng vắc-xin AstraZeneca trong hôm nay.

Vắc-xin của AstraZeneca là một trong những loại thuốc đầu tiên, rẻ nhất được phát triển và tung ra thị trường với số lượng lớn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019. Vắc-xin này cũng được thiết lập để trở thành trụ cột cho các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển. 

Tuy nhiên, một số ít các tác dụng phụ được báo cáo ở châu Âu đã làm đảo lộn các chương trình tiêm chủng vốn đang chịu áp lực về việc triển khai chậm và sự hoài nghi về vắc-xin ở một số quốc gia.

AstraZeneca cho biết trước đó họ đã tiến hành một cuộc đánh giá trên hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh mà không cho thấy bằng chứng nào về việc tăng nguy cơ đông máu.

Minh Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI