WHO kêu gọi các nước giàu không nên tích trữ vắc xin COVID-19

09/12/2021 - 22:10

PNO - Ngày 9/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước giàu không nên tích trữ vắc xin COVID-19 để tiêm nhắc lại khi cố gắng chống lại biến thể Omicron. Điều này đe dọa nguồn cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Nhiều quốc gia phương Tây đã tung ra mũi tiêm thứ 3 tăng cường cho người già và những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khi lo lắng về Omicron đang lan nhanh. Trong khi đó, WHO khuyến nghị mũi tăng cường chỉ nên dành cho những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người đã nhận được một mũi tiêm vắc xin bất hoạt. Đồng thời, WHO kêu gọi nên dành vắc xin cho nước nghèo, đặc biệt khi biến thể Omicron vẫn đang là tâm điểm ở châu Phi.

Một nhân viên y tế tiêm một liều vắc-xin phòng bệnh Pfizer coronavirus (COVID-19) cho một thiếu niên, trong bối cảnh sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 Omicron, ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 9 tháng 12 năm 2021. REUTERS / Sumaya Hisham
Nhân viên y tế tiêm vắc xin Pfizer cho một thiếu niên, trong bối cảnh sự lây lan của biến thể Omicron, ở Johannesburg, Nam Phi

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra hiệu quả của các loại vắc xin hiện tại có chống lại Omicron hay không. Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh vắc xin thành công trong việc làm chậm sự lây lan của virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì thế, tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ gây ra nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể kháng vắc xin hơn và nguy hiểm hơn.

Giám đốc vắc xin của WHO, Kate O'Brien, nói trong một cuộc họp báo hôm 9/12 rằng: "Khi chúng tôi xem xét tình hình Omicron sẽ ra sao, thì nguy cơ nguồn cung vắc xin toàn cầu sẽ chuyển sang các nước giàu có vì họ tích trữ vắc xin".

Richard Mihigo, điều phối viên của chương trình phát triển vắc xin và tiêm chủng cho châu Phi của WHO, cho biết châu Phi chiếm 46% trường hợp được báo cáo trên toàn cầu nhưng hiện tại chỉ có 7,5% trong số hơn một tỷ người ở châu Phi đã được tiêm vắc xin đầy đủ.

Cảnh báo của O'Brien được đưa ra khi nguồn cung cho chương trình chia sẻ vắc xin COVAX toàn cầu do WHO và tổ chức từ thiện GAVI điều hành đã tăng lên trong vài tháng qua do các khoản đóng góp từ các nước giàu có và sau khi Ấn Độ nới lỏng giới hạn xuất khẩu vắc xin. Nhưng bà cho biết một vấn đề lớn đối với COVAX là các quốc gia giàu có tài trợ vắc xin thường là có thời hạn sử dụng tương đối ngắn.

COVID-19 đã được báo cáo ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi những trường hợp đầu tiên được xác định ở Trung Quốc cách đây hai năm.

Theo thống kê của Reuters, đã có hơn 267,28 triệu người đã bị nhiễm bệnh và gần 5,6 triệu người tử vong.

Trọng Trí (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI