WHO họp khẩn cấp về sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ

08/08/2024 - 10:29

PNO - Ngày 7/8, WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các chuyên gia quốc tế trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về virus đậu mùa khỉ (mpox).

Jean Kakuru Biyambo, 48 tuổi, một người cha của sáu đứa con, đang được điều trị bệnh mpox tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào ngày 16 tháng 7. ẢNH: REUTERS
Bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng khiến WHO lo ngại

Ngày 7/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các chuyên gia quốc tế trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về virus đậu mùa khỉ (mpox).

Khi dịch mpox lan rộng ra ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo, tiến sĩ Tedros cho biết ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp sớm nhất có thể để tư vấn cho ông về "liệu đợt bùng phát này có phải là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không".

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có tầm quan trọng quốc tế là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra và cho phép tiến sĩ Tedros kích hoạt các phản ứng khẩn cấp theo Quy định Y tế Quốc tế.

Trước đây được gọi là bệnh đậu khỉ, mpox là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút lây truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh, cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc vật lý gần gũi.

Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Triệu chứng là gây sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt.

Vào tháng 5/2022, tình trạng nhiễm trùng mpox tăng vọt trên toàn thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính, do phân nhóm Clade IIb. Đợt bùng phát này đã khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC), kéo dài từ tháng 7/ 2022 đến tháng 5/2023. Đợt bùng phát đó hiện đã lắng xuống phần lớn.

Kể từ tháng 9/2023, một chủng mpox khác, phân nhánh Clade Ib, đã gia tăng ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vào ngày 11/7/2024, tiến sĩ Tedros cho biết hơn 11.000 ca bệnh và 445 ca tử vong đã được báo cáo tại quốc gia châu Phi khổng lồ này trong năm nay, trong đó trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kể từ đó, căn bệnh này đã lan sang các nước láng giềng.

PHEIC chỉ được tuyên bố 7 lần kể từ năm 2009: về cúm lợn H1N1, vi-rút bại liệt, Ebola, vi-rút Zika, Ebola một lần nữa, COVID-19 và mpox.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI