WHO: Giới trẻ sử dụng rượu và thuốc lá điện tử "đáng báo động"

25/04/2024 - 10:54

PNO - Hôm 25/4, theo một báo cáo công bố của chi nhánh Châu Âu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu, việc sử dụng rộng rãi rượu và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên là “đáng báo động”.

Báo cáo tiết lộ rằng khoảng 32% thanh niên 15 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử. ẢNH: TAMIL MURASU
Báo cáo tiết lộ rằng khoảng 32% thanh niên 15 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử. ẢNH: TAMIL MURASU

Dựa trên dữ liệu khảo sát từ 280.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 ở Châu Âu, Trung Á và Canada, WHO đã cho thấy một “bức tranh đáng lo ngại” về việc sử dụng chất kích thích trong giới trẻ.

Cơ quan y tế cho biết: “Hậu quả lâu dài của những xu hướng này là rất đáng kể, và các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua những phát hiện đáng báo động này”.

Báo cáo cho thấy 57% thanh niên 15 tuổi đã uống rượu ít nhất một lần, đối với nữ, con số này là 59%, so với 56% ở nam.

WHO lưu ý rằng việc uống rượu nói chung đã giảm ở các bé trai trong khi lại tăng lên ở các bé gái.

WHO Châu Âu – nơi tập hợp 53 quốc gia, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á, cho biết: “Những phát hiện này nêu bật mức độ sẵn có và bình thường hóa của rượu, cho thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp chính sách tốt hơn để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi tác hại do rượu gây ra”.

Ngoài ra, 9% thanh thiếu niên cho biết đã từng “say rượu nặng” - say ít nhất 2 lần/tuần.

WHO cho biết tỷ lệ này tăng từ 5% ở độ tuổi 13, và lên 20% ở độ tuổi 15, “chứng tỏ xu hướng lạm dụng rượu ngày càng gia tăng trong giới trẻ”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử – thường được gọi là vape – ngày càng tăng trong thanh thiếu niên.

Trong khi việc hút thuốc đang giảm dần, với 13% trẻ em từ 11-15 tuổi đã hút thuốc vào năm 2022, ít hơn 2 điểm phần trăm so với 4 năm trước đó, báo cáo lưu ý rằng nhiều người trong số họ đã sử dụng thuốc lá điện tử.

Khoảng 32% thanh niên 15 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử và 20% cho biết đã sử dụng một điếu trong 30 ngày qua.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - Hans Kluge - cho biết trong một tuyên bố: “Việc sử dụng rộng rãi các chất có hại ở trẻ em tại nhiều quốc gia trên khắp khu vực Châu Âu - và hơn thế nữa - là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”.

Kluge kêu gọi tăng thuế, hạn chế về tính sẵn có và quảng cáo, cũng như lệnh cấm các chất tạo hương liệu.

“Tham gia vào các hành vi có nguy cơ cao trong những năm thiếu niên có thể hình thành hành vi của người trưởng thành, trong đó việc sử dụng chất kích thích khi còn nhỏ có liên quan đến nguy cơ nghiện cao hơn. Hậu quả là phải trả giá đắt cho họ và xã hội” - báo cáo cho biết.

Trong khi đó, việc sử dụng cần sa đã giảm nhẹ với 12% thanh niên 15 tuổi đã từng sử dụng nó, giảm 4 điểm phần trăm trong nhiều năm.

Được WHO tiến hành 4 năm một lần, cuộc khảo sát HBSC (Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học) kiểm tra hành vi sức khỏe của trẻ em 11, 13 và 15 tuổi và bao gồm một phần về sử dụng chất gây nghiện.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI