WHO đề xuất chương trình thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong phòng chống COVID-19

19/10/2021 - 17:49

PNO - Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện đang dự thảo một chương trình giúp các nước nghèo có cơ hội tiếp cận với các nguồn vắc xin, các phương tiện xét nghiệm và phương pháp điều trị, trong đó có việc chữa bệnh COVID-19 ở dạng nhẹ bằng cách dùng thuốc uống với chi phí chỉ 10 USD cho cả 1 liệu trình.

Đó là Chương trình hỗ trợ tiếp cận các công cụ điều trị COVID-19 (có tên viết tắt là ACT-A), dự kiến sẽ được triển khai đến tháng 9/2022. Theo kế hoạch, chương trình sẽ cung cấp khoảng 1 tỷ lượt xét nghiệm COVID-19 cho các quốc gia nghèo, và thuốc để điều trị cho khoảng 120 triệu bệnh nhân trên toàn cầu, trong số khoảng 200 triệu ca nhiễm mới, theo ước tính của WHO trong 12 tháng tới.

WHO đang đề xuất một chương trình giúp các nước nghèo tiếp cận các biện pháp phòng ngừa, chữa trị COVID-19
WHO đang đề xuất một chương trình giúp các nước nghèo tiếp cận các biện pháp phòng ngừa, chữa trị COVID-19

Dự kiến, theo chương trình ACT-A, Molnupiravir - một loại thuốc dùng đường uống do công ty Merck & Co chế tạo và đang trong giai đoạn thử nghiệm - và một số loại thuốc khác đang được phát triển sẽ có thể được chính thức sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

Thông qua ACT-A, WHO cũng mong muốn cung cấp thuốc và dụng cụ xét nghiệm với chi phí thấp cho các nước nghèo, trước thực tế vắc xin COVID-19 đã được phân bổ không đồng đều trên thế giới trong thời gian qua, với phần lớn nguồn cung tập trung ở các quốc gia giàu có, trong khi nhiều nước nghèo nhất thế giới đang có tỷ lệ tiêm ngừa rất thấp.

Người phát ngôn của ACT-A cho biết, bản dự thảo chương trình, được ghi ngày 13/10, hiện đang được tham vấn ý kiến của các bên liên quan, và từ chối bình luận về nội dung chi tiết trước khi hoàn thiện. Tài liệu này cũng sẽ được gửi tới các nhà lãnh đạo toàn cầu trước hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Rome (Ý) vào cuối tháng 10.

Hiện, ACT-A đã kêu gọi các nước thuộc nhóm G20 và một số nước khác tài trợ 22,8 tỷ USD cho chương trình từ nay đến tháng 9/2022. Số tiền này sẽ được dùng để mua và phân phối vắc xin, thuốc và dụng cụ xét nghiệm cho các nước nghèo. Đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 18,5 tỷ USD cho chương trình.

Mặc dù không đề cập rõ đến Molnupiravir, bản dự thảo của ACT-A cho biết, dự kiến chỉ ​​sẽ phải chi ra 10 USD cho 1 liệu trình điều trị COVID-19 bằng “thuốc kháng virus dùng đường uống đối với bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình”.

Hiện có nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ đang được phát triển, nhưng đến nay, Molnupiravir là loại duy nhất cho kết quả khả quan trong các thử nghiệm ở giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do trường đại học Harvard thực hiện ước tính rằng Molnupiravir có thể có giá khoảng 20 USD nếu do các công ty dược phẩm thông thường sản xuất, trong khi mức giá này có thể giảm xuống chỉ còn 7,7 USD trong điều kiện sản xuất tối ưu.

Theo ACT-A, số tiền quyên góp được ban đầu từ chương trình sẽ được sử dụng để mua khoảng 28 triệu liệu trình thuốc kháng virus để điều trị COVID-19 trong 12 tháng tới, tùy thuộc vào việc thuốc có sẵn nguồn hay không.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ mua khoảng 4,3 triệu viên thuốc “tái định vị” (tức sử dụng các loại thuốc hiện hữu cho các mục đích mới) để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 đang bị nguy kịch với chi phí dự kiến 28 USD/liệu trình.

ACT-A cũng có kế hoạch đáp ứng nhu cầu oxy y tế thiết yếu cho 6 đến 8 triệu bệnh nhân nặng và nguy kịch từ nay đến tháng 9/2022.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ đầu tư mạnh cho công tác chẩn đoán COVID-19, với tổng chi phí dự kiến chiếm 1/3 số ngân sách 22,8 tỷ USD, nhằm tăng ít nhất gấp đôi số lượt xét nghiệm ở các nước có thu nhập thấp. Hiện, các nước này chỉ thực hiện trung bình khoảng 50 lượt xét nghiệm trên 100.000 người mỗi ngày, khá thấp so với con số 750 ở các nước giàu, và ACT-A muốn nâng tỷ lệ này lên tối thiểu 100 lượt.

ACT-A cũng sẽ đẩy mạnh việc phát hiện sớm hơn các biến thể mới của COVID-19, vốn có xu hướng sinh sôi trong các đợt bùng phát dịch trên diện rộng ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Chương trình còn đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số đủ điều kiện ở tất cả các quốc gia vào giữa năm tới, vốn cũng là mục tiêu của WHO.

Nhất Nguyên (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI