WHO: Đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc

19/01/2022 - 06:27

PNO - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc, cảnh báo trước thông tin cho rằng biến thể Omicron lây lan nhanh là không có rủi ro.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên từ trụ sở của WHO tại Geneva: “Đại dịch này chưa thể kết thúc”. Đồng thời, ông kêu gọi mọi người không nên xếp biến thể Omicron ở mức độ nhẹ, khi mà nó lây lan như cháy rừng trên toàn cầu kể từ lúc được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi vào tháng 11/2021.

WHO cảnh báo số lượng người nhiễm bệnh quá lớn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trường hợp lâm bệnh nặng và tử vong. "Sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca bệnh, bất kể mức độ nghiêm trọng của các biến thể riêng lẻ, sẽ dẫn đến sự gia tăng không thể tránh khỏi trong số các ca nhập viện và tử vong" - Giám đốc xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, nói trong cuộc họp báo.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu trong cuộc họp.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu trong cuộc họp

Đồng quan điểm, ông Tedros nhấn mạnh: "Đừng nhầm lẫn: Omicron đang gây ra những ca nhập viện và tử vong, và ngay cả những trường hợp ít nghiêm trọng hơn cũng làm ngộp các cơ sở y tế".

Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do Omicron gây ra đã đạt đỉnh ở một số quốc gia, điều này phần nào mang lại hy vọng điều tồi tệ nhất của đợt tái bùng dịch được kiểm soát nhưng chưa có quốc gia nào thoát khỏi đại dịch.

Ông Tedros cho biết cần khẩn cấp xóa bỏ áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các quốc gia vẫn còn tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp: "Bây giờ không phải là lúc để từ bỏ và vẫy cờ trắng. Chúng ta vẫn có thể giảm đáng kể tác động của làn sóng hiện tại bằng cách chia sẻ và sử dụng các công cụ y tế một cách hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng mà chúng ta biết là có hiệu quả".

Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, đồng ý và chỉ ra rằng khoảng 45.000 ca tử vong do dịch bệnh vẫn được ghi nhận trên toàn thế giới mỗi tuần. Dữ liệu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy các vắc xin hiện có ít hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại sự lây truyền Omicron so với các chủng virus trước đó.

Một số công ty dược phẩm đang trong quá trình sản xuất vắc xin nhắm mục tiêu tốt hơn vào biến thể mới, nhưng WHO cho rằng đó không hẳn là cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

“Vắc xin có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây truyền Omicron so với các biến thể trước đó, nhưng chúng vẫn đặc biệt tốt trong việc ngăn chặn bệnh nặng và tử vong” - ông Tedros nói.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI