WHO: Chính sách zero-COVID của Trung Quốc không bền vững

11/05/2022 - 06:10

PNO - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chính sách COVID-19 không khoan nhượng của Trung Quốc là không bền vững với những gì hiện đã được biết đến về loại virus corona này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi không nghĩ rằng chính sách zero-COVID là bền vững khi xét đến đặc tính của virus và những gì chúng tôi dự đoán trong tương lai. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các chuyên gia Trung Quốc... Tôi nghĩ rằng một sự thay đổi sẽ rất quan trọng”.

Đây là lần hiếm hoi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bình luận về cách Trung Quốc xử lý đại dịch. Ông Tedros cũng nói thêm việc nâng cao kiến ​​thức về virus và các công cụ tốt hơn để chống lại nó cũng cho thấy đã đến lúc đất nước tỷ dân phải thay đổi chiến lược.

Trung Quốc quyết tâm kiên định với chính sách zero-COVID.
Trung Quốc quyết tâm kiên định với chính sách zero-COVID

Phát biểu sau ông Tedros, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe của WHO Mike Ryan cho biết tác động của chính sách zero-COVID cũng cần được xem xét.

Ông Ryan nói: “Chúng tôi luôn nói với tư cách là WHO rằng chúng tôi cần phải cân bằng các biện pháp kiểm soát so với tác động của chúng đối với xã hội, kinh tế và điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng hiệu chỉnh”.

Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã ghi nhận 15.000 trường hợp tử vong kể từ khi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019 - một con số tương đối thấp so với gần một triệu người ở Hoa Kỳ, hơn 664.000 người ở Brazil và hơn 524.000 người ở Ấn Độ.

Chính vì vậy cũng có thể hiểu được vì sao quốc gia đông dân nhất thế giới muốn thực hiện các biện pháp cứng rắn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, chính sách zero-COVID của Trung Quốc đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà khoa học cho đến người dân của chính nước này, với nhiều đợt phong tỏa khiến hàng triệu người khổ sở và tức giận. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia toàn cầu đã bắt đầu chuyển đổi sang các chiến lược để sống chung với COVID-19.

Cụ thể, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại Thượng Hải trong hơn 1 tháng qua, bắt buộc người dân chỉ được phép ra ngoài vì những lý do đặc biệt, chẳng hạn như trường hợp y tế khẩn cấp. Nhiều người thậm chí không được phép ra khỏi cửa trước để giao lưu với hàng xóm.

Chính sách cách ly của Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì tách trẻ em khỏi cha mẹ và đưa những trường hợp không có triệu chứng sống cùng những người có triệu chứng.

Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI