WHO chỉ trích các nước giàu vì áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trước biến thể Omicron

02/12/2021 - 12:46

PNO - Hôm 1/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ trích các quốc gia giàu có về việc áp đặt lệnh cấm đi lại, và thúc đẩy việc tiêm vắc xin tăng cường nhằm đối phó với biến thể mới Omicron, trong khi hàng tỷ người ở các nước nghèo vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Theo WHO, trong bối cảnh lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính phủ một số nước ở châu Âu, châu Á và Mỹ, dường như cũng chưa có những thay đổi gì mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch so với trước đây. Đó là tăng cường bảo vệ người dân trong nước bằng cách tiêm thêm vắc xin, và ngăn chặn sự lây lan nhanh của biến thể mới bằng cách hạn chế người nước ngoài nhập cảnh.

Tranh graffiti tuyên truyền về COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi
Tranh graffiti tuyên truyền về COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi

Và WHO cho rằng, cách ứng xử như trên sẽ càng làm căng thẳng thêm tình trạng mất cân đối giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới trong khả năng ứng phó với đại dịch, vốn đã được tổ chức này lên tiếng từ đầu năm nay.

Nhiều người có nhu cầu đi lại trên thế giới đã cảm thấy rất “hoang mang” khi Mỹ cho biết sẽ tăng cường thực hiện các thủ tục kiểm tra và sàng lọc người nước ngoài đến nước này. Trước đó, Nhật, Israel và Maroc cũng cấm du khách nước ngoài, và Australia thì trì hoãn việc mở lại biên giới trong 2 tuần.

WHO cũng cho rằng việc nhiều nước áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với các nước ở miền Nam châu Phi là không hiệu quả và không công bằng.

“Các lệnh cấm đi lại sẽ không giúp ngăn chặn được sự lây lan của Omicron, mà còn tạo ra gánh nặng cho đời sống của nhiều người dân trên thế giới”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - lên tiếng tại một cuộc họp báo ở Geneva.

Người đứng đầu WHO cũng khen ngợi Botswana và Nam Phi, những nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron trong tháng 11, vì đã báo cáo kịp thời những trường hợp này cho các cơ quan y tế quốc tế. “Tôi vô cùng lo ngại rằng các quốc gia này đang bị trừng phạt trong khi đã làm điều đúng đắn”, ông Tedros nói.

Các quan chức khác của WHO cũng cho rằng việc Mỹ ra lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia thuộc khu vực Nam Phi sẽ cản trở nỗ lực chống lại biến thể Omicron, vì không thể vận chuyển các mẫu sinh học ra khỏi các quốc gia này.

Tính đến ngày 1/12, biến thể Omicron đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, chỉ sau 6 ngày được xác nhận có trường hợp đầu tiên, và ông Tedros cảnh báo con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

WHO cũng bày tỏ sự hoài nghi về các kế hoạch tiêm vắc xin tăng cường đầy tham vọng của các nước giàu có, trong khi nhiều người dân ở những nước nghèo trên thế giới vẫn chưa có được một mũi tiêm nào.

Người dân Philippines đang ngồi theo dõi sau mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19
Người dân Philippines đang ngồi theo dõi sau mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Trong tuần này, Anh đã công bố một chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường cho tất cả người lớn vào cuối tháng 1/2022. Các quốc gia châu Âu khác và Mỹ cũng đang đẩy nhanh việc này nhằm làm “vững chắc” tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại biến thể mới, trước khi các nhà khoa học giải mã xong bộ gen của nó và đưa ra các kết luận chính xác hơn.

Tuy nhiên, các quan chức WHO cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin tăng cường có thể giúp ngăn ngừa các trường hợp bệnh nặng và nhập viện ở những người bị nhiễm các biến thể nguy hiểm. Vì vậy, theo “gợi ý” của các quan chức này, tốt nhất là các nước giàu có nên chia sẻ lượng vắc xin dự trữ cho những nơi mà phần lớn dân số chưa được tiêm chủng.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế công cũng cho rằng việc hạn chế đi lại chưa chắc sẽ có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. “Việc này chỉ làm chậm lại sự lây lan. Nhưng tôi nghĩ rằng, biến thể mới sẽ được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới trong những ngày tới”, Devi Sridhar - người đứng đầu chương trình y tế công toàn cầu tại Đại học Edinburgh - nhận định và cho biết, hiện vẫn chưa xác định được liệu Omicron có thể vượt qua biến thể Delta về tốc độ lây truyền và trở thành dòng virus “mạnh” nhất hay không.

Giáo sư Sridhar và các chuyên gia khác đã kêu gọi các quốc gia tăng cường phối hợp trên phạm vi toàn cầu để tìm hiểu thêm về Omicron, và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm khống chế hữu hiệu biến thể này.

WHO cũng đang thúc đẩy việc thành lập một hiệp ước quốc tế để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ, với sự hỗ trợ từ Brazil và các nước khác, đã từ chối cam kết bất cứ điều gì có sự ràng buộc về mặt pháp lý.

Nhất Nguyên (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI