WHO: Châu Âu có thể bước vào “thời kỳ yên bình kéo dài” trong cuộc chiến chống COVID-19

03/02/2022 - 22:31

PNO - Theo nhận định của Tổ chức Y tế T0⁰hế giới (WHO), châu Âu có thể sớm bước vào “thời kỳ yên bình kéo dài”, và dẫn đến giai đoạn “đình chiến” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo WHO, tỷ lệ tiêm ngừa được cải thiện, biến thể Omicron tuy lây lan nhanh nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng, và thời tiết ấm áp hơn vào mùa xuân là những yếu tố cơ sở để tổ chức này đưa ra nhận định nói trên.

Người mua sắm đi bộ trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris (Pháp)
Người mua sắm đi bộ trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris (Pháp)

Trong một đánh giá lạc quan, ông Hans Kluge - Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu - nói rằng khu vực này đang ở trong tình trạng “được bảo vệ cao hơn”, và nhờ đó có thể “mang lại hòa bình lâu dài cho người dân tại đây”, ngay cả khi có một biến thể mới, nguy hiểm hơn Omicron, xuất hiện trong thời gian tới.

Ông Kluge cho biết khu vực gồm 53 quốc gia đã ghi nhận 12 triệu ca nhiễm COVID-19 mới trong tuần trước, con số cao kỷ lục trong một tuần, với khoảng 22% tổng số người được xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Số người nhập viện tuy cũng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với số ca nhiễm, và số bệnh nhân được điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt tăng không đáng kể. Số ca tử vong trên toàn khu vực cũng bắt đầu chựng lại.

“Khả năng miễn dịch trong cộng đồng trên diện rộng nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin được cải thiện cùng với miễn dịch tự nhiên, thời tiết đang trong giai đoạn thuận lợi, biến thể Omicron cũng không gây bệnh quá nghiêm trọng. Những yếu tố này đang đem đến cho các chính phủ một cơ hội cực kỳ tốt để kiểm soát sự lây lan của dịch”, ông Kluge nhận định.

Nhưng hôm 3/2, ông Kluge cũng nhấn mạnh rằng các nhà chức trách trong khu vực cần phải sử dụng “thời gian yên bình” này một cách hữu hiệu, bằng cách tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa và tiêm tăng cường, bảo vệ những người dễ bị lây nhiễm, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân và tăng cường giám sát để phát hiện các biến thể mới.

“Tôi tin rằng chúng ta có thể ứng phó tốt hơn với các biến thể mới, mà khả năng cao sẽ xuất hiện, nhưng không phải thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc phong tỏa làm gián đoạn các hoạt động như trước nữa”, ông Kluge nhận định.

“Điều này đòi hỏi các nước cần tăng cường việc chia sẻ vắc xin xuyên biên giới. Chúng ta không thể chấp nhận sự bất bình đẳng về vắc xin thêm một ngày nào nữa. Vắc xin phải được đưa đến tất cả mọi người, ở những nơi xa nhất trong khu vực rộng lớn của châu Âu, và cả ở bên ngoài khu vực”, ông khuyến nghị thêm.

Vào trước Ngày Ung thư thế giới, ông Kluge cũng lưu ý “tác động thảm khốc” mà đại dịch đã gây ra đối với những người mắc bệnh ung thư, khi các hệ thống y tế trong khu vực phải chật vật với việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân này trong suốt 2 năm qua, để “nhường chỗ” cho bệnh nhân COVID-19.

Ông cho biết, trong giai đoạn đầu của đại dịch, việc chẩn đoán các khối u xâm lấn đã giảm 44% ở Bỉ, khám sàng lọc ung thư đại trực tràng giảm 46% ở Ý, số trường hợp ung thư được chẩn đoán ở Tây Ban Nha trong năm 2020 cũng thấp hơn 34% so với dự kiến.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI